2021 – một năm với rất nhiều biến động lịch sử, một năm để chúng ta nhìn lại và rút ra những bài học kinh nghiệm cho một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ phía trước.
1. Đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công thế giới
Đại dịch Covid-19 năm 2021 đã khiến hơn 276 triệu người nhiễm, 5,3 triệu người tử vong, tương đương với toàn bộ dân số New Zealand. Chính điều này đã khiến Covid-19 trở thành một trong những đại dịch chết chóc nhất lịch sử nhân loại, chỉ đứng sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Đại dịch Covid-19 cũng đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, với hàng chục triệu người dân rơi vào cảnh thất nghiệp và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Một bước tiến vượt bậc trong năm qua đó là sự cung ứng rộng rãi hơn các loại vaccine Covid-19 đến người dân trên toàn thế giới, nhưng biến thể Omicron siêu lây nhiễm đã xuất hiện, khiến tương lai thoát khỏi đại dịch của thế giới càng thêm mờ mịt.
2. Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc COP26 về biến đổi khí hậu
Bị trì hoãn một năm vì đại dịch Covid-19, Hội nghị thượng đỉnh COP26 cuối cùng đã được khai mạc vào ngày 31/10 tại Glasgow, Scotland nhằm duy trì mục tiêu đảm bảo nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp – giới hạn mà các nhà khoa học cho rằng sẽ tránh được những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Trong đó, có 5 vấn đề hàng đầu cần được giải quyết: Cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu hàng năm, giảm lượng khí thải từ Metan, giảm 45% lượng phát thải khí CO2, giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C và đảm bảo thực hiện cam kết chung.
Sau hai năm vật lộn với đại dịch Covid-19, thế giới đang đứng trước cơ hội “trở lại tốt hơn”. Nếu các quốc gia không tăng cường các cam kết về khí hậu và bắt tay ngay vào hành động, cơ hội xây dựng một Trái Đất tốt hơn sẽ bị phung phí và nhiệt độ hành tinh của chúng ta sẽ có thể tăng ít nhất là 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 – 1900).
3. Lực lượng Taliban trở lại nắm quyền Afghanistan
Trong cuộc tấn công toàn quốc diễn ra chỉ trong vòng hơn một tuần, các tay súng Taliban đã đánh bại và trục xuất đội quân Afghanistan khỏi nhiều khu vực rộng khắp quốc gia. Đến ngày 15/8, Taliban đã vào đến thủ đô Kabul. Kể từ thời điểm đó, các tay súng Hồi giáo đã trở lại nắm quyền lực tại Afghanistan.
Kể từ khi Taliban tiếp quản vào giữa tháng 8, sự sụp đổ kinh tế của Afghanistan đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Hàng triệu người dân bị mất đi việc làm khiến họ không thể nuôi sống gia đình.
Giờ đây, người dân Afghanistan đang đứng trước tình thế thê thảm, người đi không xong, người ở lại cũng không ổn. Đối với những ai đã từng quan sát quốc gia này trong nhiều năm, thì cảnh tượng người dân cố bám vào những máy bay đang cất cánh tại Kabul dường như là sự cùng cực đến tận đáy sau gần 2 thập kỷ nỗ lực cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
4. Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020
Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo “2020” nhưng lại được tổ chức vào giữa năm 2021, sau khoảng thời gian một năm bị gián đoạn do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 tại Nhật Bản.
Sự kiên cường của các vận động viên đã trở thành câu chuyện trung tâm của Thế vận hội. Họ đã phải chịu đựng rất nhiều sự tổn thương, từ tinh thần cho đến những chấn thương thể thao khó tránh khỏi. Trái ngược lại, chính khó khăn đó đã giúp cho sự xuất sắc của họ thực sự bùng nổ.
Thế vận hội lần thứ 4 của Nhật Bản được tổ chức 57 năm sau Thế vận hội năm 1964 – diễn ra ngay thời điểm Thế chiến thứ 2 kết thúc, đại diện cho một hành tinh đang cố gắng xích lại gần nhau hơn, đặc biệt giữa thời điểm đại dịch đã chia cắt nhân loại.
5. Siêu tàu container mắc kẹt ở kênh đào Suez
Ngày 23/3/2021, siêu tàu chở hàng Ever Given có sức chứa 20.124 container loại 20ft bất ngờ gặp sự cố, chắn ngang kênh đào Suez gây ách tắc cực kỳ nghiêm trọng.
Con tàu gần như nằm chắn ngang kênh đào ở đoạn dưới hồ Great Bitter. Sự cố này đã làm tắc nghẽn tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Hàng trăm con tàu bị kẹt ở Port Said (phía Địa Trung Hải) và hàng trăm tàu khác bị kẹt ở Port Suez (phía Biển Đỏ).
Ước tính sự cố này đã làm cho hơn 9.600 tỷ USD hàng hóa bị ứ đọng ở hai đầu con kênh suốt 1 tuần, trong đó có hơn 200 tàu chở dầu và khí tự nhiên hóa lỏng với dung tích trên 13 triệu thùng quy đổi, đẩy giá dầu thế giới lên xấp xỉ 70 USD/thùng. Tính toán từ IMF còn cho thấy sự cố làm thiệt hại khoảng 6 tỷ đến 10 tỷ USD/ngày của nền kinh tế thế giới.
6. Lũ lụt càn quét khắp các lục địa
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhiều trận lũ lụt chết chóc đã tàn phá các khu vực của Tây Âu, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc và bang Tennessee tại Mỹ.
Vào giữa tháng 7, trận lũ lụt nghiêm trọng đã giết chết hơn 200 người ở Đức và Bỉ. Ở Trung Quốc, lũ lụt ở tỉnh Hà Nam đã giết chết hơn 300 người dân. Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh với 12 triệu dân, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn bộ các khu vực lân cận đều bị nhấn chìm. Trở lại Mỹ, một lượng mưa lớn đã dẫn đến lũ quét ở bang Tennessee, phá hủy hơn 270 ngôi nhà và giết chết hơn 20 người dân.
Bên cạnh đó, trận lũ lụt tấn công 8 bang tại Malaysia, bao gồm Selangor, Negeri Sembilan, Kelantan, Pahang, Melaka và Terengganu trong đợt mưa lũ năm nay vào ngày 17 và 18/12 đã khiến hơn 41.000 người phải sơ tán đến các nơi trú ẩn, trong đó Selangor là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đã có ít nhất một người chết và 10 người đã mất tích.
7. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức
Theo truyền thống và quy định, lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra vào trưa 20/01/2021 (giờ địa phương). Sau nhiều tranh cãi và chia rẽ, Joe Biden cuối cùng đã được đặt tay lên quyển kinh thánh và trịnh trọng đọc lời tuyên thệ dành cho tổng thống.
Các cựu tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton cùng các phu nhân đã tham dự buổi lễ. Tổng thống Donald Trump đã rời thủ đô ngay trước khi sự kiện diễn ra nhưng đã để lại trong Nhà Trắng một lá thư cho người kế nhiệm Joe Biden.
Kêu gọi đất nước đoàn kết sau 4 năm cầm quyền gây chia rẽ của Donald Trump, Tổng thống Biden nhấn mạnh hợp tác là chìa khóa để tiến về phía trước, đặc biệt là khi đất nước đang đứng trước một thời khắc lịch sử với hàng loạt khủng hoảng và thách thức, trong đó đại dịch Covid-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của nhiều công dân Mỹ hơn so với Thế chiến I.
8. Cuộc đua không gian của tỷ phú
Ba tỷ phú Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson đã quyết định dồn số tiền khổng lồ của mình vào việc theo đuổi giấc mơ du hành vũ trụ, tạo ra cuộc chạy đua vào không gian. Họ đều trở thành những gương mặt tiêu biểu nhất trong cuộc chạy đua vào không gian của thế kỷ 21.
Tàu vũ trụ New Shepard đã rời bệ phóng tại cơ sở của Blue Origin ở sa mạc Tây Texas vào lúc 8h11 ngày 20/07/2021 theo giờ địa phương, chở theo tỷ phú Jeff Bezos và 3 hành khách khác lên độ cao 107 km chinh phục vũ trụ.
Cùng với đó, êm ngày 11/07/2021, theo giờ Việt Nam, tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập công ty hàng không vũ trụ Virgin Galactic, đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên con tàu tên lửa có cánh của riêng mình, đưa ngành du lịch vũ trụ tiến gần hơn với thực tế.
SpaceX (Elon Musk) được thành lập năm 2002 và đến nay đã triển khai các tên lửa mang hàng nghìn vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, phát triển một tàu vũ trụ để đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế thành công.
9. Cơn ‘ác mộng’ cháy rừng toàn cầu
Khi sự nóng lên toàn cầu gia tăng, trái đất đang phải chứng kiến vô số những trận cháy rừng do hệ quả từ biến đổi khí hậu. Từ Hy Lạp, Australia, Nga, Bolivia, Phần Lan, Pháp, Mỹ, đặc biệt là ‘lá phổi xanh của Trái đất’ – rừng nhiệt đới Amazon (Brazil), thiên nhiên thật sự đang lên tiếng kêu cứu.
Mặc dù có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cháy rừng, nhưng chính biến đổi khí hậu đang khiến chúng ngày càng lan rộng và xảy ra thường xuyên hơn, làm cho những đám cháy xuất hiện ở những nơi mà trước đây chưa từng có. “Rõ ràng” chính con người đã gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu ngay từ đầu.
Vì vậy, khi ngọn lửa tiếp tục bùng cháy khắp các vùng rộng lớn trên thế giới, chúng ta phải đối mặt với sự thật – cháy rừng ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu là do con người gây ra.
10. Làn sóng di cư ‘không ngừng nghỉ’
Tại châu Mỹ, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ Latinh và những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 67.100 người, đa số là người Haiti, vượt rừng rậm Darien để “thoát khỏi quê nhà”. Họ sẵn sàng vượt qua hành trình dài đầy nguy hiểm chết người để đến được Mỹ hoặc Canada nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhưng, cũng không chỉ ở châu Mỹ, châu Âu cũng chứng kiến làn sóng di cư mới. Các cuộc giao tranh dữ dội ở Afghanistan đang khiến hơn 400.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa. Đây cũng chính là “vấn đề” đối với châu Âu, bởi những người xin tị nạn vào “lục địa già” ngày một tăng, trong khi khối này chưa sẵn sàng ứng phó với một cuộc khủng hoảng di cư mới.