Nhân Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27.12, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt.
Đầu tư xứng đáng để chuẩn bị những dịch bệnh tiếp theo
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, COVID-19 chứng minh rằng,một căn bệnh truyền nhiễm có thể hoành hành trên toàn thế giới một cách nhanh chóng như thế nào, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực thẳm và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của toàn nhân loại.
“Nó cũng cho thấy sự thất bại của chúng ta trong việc rút ra bài học về những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe gần đây như SARS, cúm gia cầm, Zika, Ebola và những bệnh khác. Và nó nhắc nhở chúng ta rằng, thế giới vẫn chưa được chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các đợt bùng phát cục bộ tràn qua biên giới và trở thành một đại dịch toàn cầu” – nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc cho hay.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt. Các bệnh truyền nhiễm vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với mọi quốc gia.
“Khi đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe này, chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Điều đó có nghĩa là cần đầu tư nhân rộng vào các kế hoạch giám sát, phát hiện sớm và phản ứng nhanh tốt hơn ở mọi quốc gia – đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Điều này có nghĩa là tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp địa phương để ngăn chặn sự sụp đổ” – tổng thư ký nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc kêu gọi đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các biện pháp can thiệp cứu sinh như vaccine cho mọi người, đồng thời thực hiện phổ cập bảo hiểm sức khỏe toàn dân.
“Trên hết, điều đó có nghĩa là xây dựng tình đoàn kết toàn cầu để mang lại cho mọi quốc gia cơ hội chiến đấu nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm có khả năng xảy ra. Một đợt bùng phát ở bất cứ đâu cũng là một đại dịch tiềm ẩn ở khắp mọi nơi. Vào Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh, chúng ta hãy dành sự tập trung, chú ý và đầu tư xứng đáng cho vấn đề này” – Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh trong thông điệp của mình.
Kỷ niệm 1 năm sáng kiến do Việt Nam đề xuất
Hơn một năm trước, ngày 7.12.2020, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về việc thành lập Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh do Việt Nam chủ trì đề xuất. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh vào ngày 27.12 hàng năm.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Sáng kiến của Việt Nam về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh được đưa ra đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ và gây ra những hậu quả nặng nề cho nhân loại, nên đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Nghị quyết kêu gọi tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và các thành phần liên quan khác kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.
Phát biểu về sự kiện này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Với sự đầu tư vào sức khỏe cộng đồng, thông qua sự hỗ trợ của chính phủ, của chính cộng đồng, của các tổ chức bảo vệ sức khỏe, chúng ta có thể đảm bảo những đứa trẻ của chúng ta và các thế hệ tiếp theo sẽ được tiếp quản một thế giới an toàn, phục hồi tốt và bền vững hơn”.
Tổng Giám đốc WHO cũng nêu rõ 3 bài học mà thế giới nhận ra từ đại dịch COVID-19, đó là năng lực chuẩn bị sẵn sàng để phát hiện, phòng chống và đẩy lùi mọi mối nguy hiểm; sự chuẩn bị ấy không chỉ phụ thuộc vào hệ thống y tế, mà còn ở các chính phủ, các cộng đồng, các tổ chức sức khỏe khác. Cuối cùng, COVID-19 nhấn mạnh sợi dây liên kết giữa sức khỏe của con người, động vật và trái đất. Bất cứ nỗ lực nào nhằm nâng cao sức khỏe con người đều bất khả thi, trừ khi chúng ta quan tâm tới sự giao thoa giữa con người, động vật, và trái đất này.
Tại Việt Nam trong năm 2021, đợt bùng phát dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến thể Delta đã đảo ngược các thành quả trong công tác phòng chống dịch trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược phòng chống COVID-19 từ “không ca mắc” sang thực hiện mục tiêu kép, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Chiến lược này đã giúp kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện thành công chiến lược vaccine với chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%. Đến ngày 25.12, gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều và hơn 80% được tiêm 2 liều. Việc tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 cũng đang được khẩn trương triển khai.