Bộ Công Thương chỉ còn 5 ngày để chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nhằm hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII trình Thủ tướng ban hành trong tháng 12/2021 theo yêu cầu của Chính phủ.
Đây là yêu cầu được Chính phủ đưa ra với Bộ Công Thương trong Nghị quyết 155/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch Điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) để Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12/2021.
Theo yêu cầu của Chính phủ, chỉ còn chưa đến 7 ngày để Bộ Công Thương hoàn thiện bản Quy hoạch Điện VIII trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Bộ Công Thương đã có 3 lần trình Chính phủ với 3 kịch bản khác nhau.
Trước đó, ngày 19/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực năng lượng, điện lực và kinh tế.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII “phiên bản” tháng 11 đã thống nhất xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW, giảm hơn 28.000 MW so với phương án trình tháng 3/2021, tương đương giảm gần 800.000 tỷ đồng đầu tư. Cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng công suất nguồn điện gió ngoài khơi.
Nếu không tính điện mặt trời, hệ số dự phòng toàn quốc giảm từ hơn 69% xuống còn 43%, bảo đảm an toàn hệ thống.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý cụ thể để sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, có một số vấn đề vẫn còn là “điểm nghẽn” cần phải xem xét, cân nhắc thật kỹ mới có thể đi đến sự đồng thuận và thống nhất.
Năng lượng tái tạo phát triển, bài toán cân đối nguồn điện
Tính từ khi Văn phòng Chính phủ yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn và đề xuất bổ sung quy hoạch nguồn, lưới điện, tính đến giữa tháng 12 đã có 55 địa phương đề nghị bổ sung 550.000 MW điện các loại vào Dự thảo.
Trong số này có 129.000 MW điện gió ngoài khơi, 106.000 MW điện gió trên bờ, 140.000 MW điện khí LNG, 118.000 MW điện mặt trời quy mô trang trại.
Theo các chuyên gia, trước nhu cầu cấp thiết của quá trình chuyển dịch năng lượng theo xu hướng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang có nhu cầu điện rất lớn để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, song song với đó là ràng buộc về yêu cầu giảm nhiệt điện than, trung hòa CO2 như cam kết của Chính phủ tại COP26, thì việc tập trung khai thác nguồn năng lượng sạch và dồi dào, đặc biệt là tại các tỉnh có tiềm năng về điện gió là tất yếu.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho hay Việt Nam nên khuyến khích điện gió ngoài khơi, đồng thời cần có các chính sách hoạch định rất cụ thể để phát triển điện gió ngoài khơi, chứ không phải địa phương nào cũng làm.
Mặt khác, quá nhiều địa phương xin bổ sung quy hoạch nguồn điện gió với tổng công suất gấp hơn ba lần kịch bản Bộ Công Thương đưa ra đến năm 2030 đặt ra một bài toán khó.
Việc bổ sung nguồn điện như thế nào trong tổng thể bài toán ngành điện không đơn giản. Cần tính toán, cân nhắc đến các điều kiện kỹ thuật, xem xét đến các yếu tố ràng buộc về nhu cầu cụ thể từng khu vực, khả năng bảo đảm an ninh năng lượng, khả năng cân đối vùng miền, phụ tải, lưới điện và bài toán giá điện.
Hợp đồng giữa chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo ký với EVN đều có bổ sung một số điều khoản như cam kết ngừng/giảm công suất nếu xảy hiện tượng quá tải/thừa nguồn trong thời gian công trình đưa vào vận hành. Các dự án phải cắt giảm công suất để tránh sự cố trong truyền tải, điều này vừa gây lãng phí về nguồn điện vừa tạo áp lực lớn đến vận hành lưới điện.
Trên thực tế cho thấy, các tỉnh có tiềm năng năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam, trong khi nhu cầu phụ tải ở miền Bắc lại rất lớn. Như vậy, việc phát triển nguồn điện cần thiết phải được xem xét cùng với phương án truyền tải xa.
Xã hội hóa đầu tư truyền tải điện xóa “nút thắt” phát triển mạng lưới
Hầu hết các địa phương hiện nay chỉ mới tập trung đề xuất bổ sung nguồn mà chưa quan tâm đến vấn đề truyền tải. Trong mấy năm gần đây, các dự án điện mặt trời, điện gió được phát triển nhanh đã bộc lộ hạn chế, bất cập khi lưới truyền tải chưa theo kịp tốc độ xây dựng các dự án điện tái tạo.
Điều 4 của Luật Điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải”, song lại chưa phân định rõ việc độc quyền ở các khâu nào trong hoạt động truyền tải. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước vẫn sẽ độc quyền đường dây 500 kV và lưới điện tại các khu vực nhạy cảm.
Cùng với đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã định hướng chủ trương thực hiện xã hội hoá hoạt động truyền tải, cho phép kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện.
Chính phủ thời gian qua cũng đã thí điểm cho phép các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực truyền tải điện với mục đích giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.
Đó là dự án trạm biến áp 500 kV và đường dây 220 kV, 500 kV tại Ninh Thuận do Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) làm chủ đầu tư xây dựng dài hơn 13 km. Dự án hoàn toàn do Trung Nam bỏ vốn đầu tư và đến nay đã vận hành ổn định hơn một năm. Công trình vừa giúp giải tỏa công suất cho dự án của doanh nghiệp này vừa thực hiện truyền tải hộ cho các dự án năng lượng tái tạo khác trong khu vực.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 8/12 vừa qua, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ. Việc này sẽ giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng tài chính đồng thời có thể tăng tốc đầu tư phát triển lưới điện tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Do đó, việc sớm ban hành các hành lang pháp lý sẽ giúp nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, xóa bỏ rào cản để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải.
Điểm nghẽn về thị trường điện cạnh tranh
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đang được lấy ý kiến của các ngành, các cấp để hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt. Tôi cho rằng, điểm nghẽn chính mà Quy hoạch Điện VIII phải xử lý được, đó là tình trạng độc quyền, chậm chuyển sang thị trường điện cạnh tranh hiện nay”.
Chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh là một yêu cầu tất yếu khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, theo đó thị trường điện của Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 đến hết năm 2014 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 từ 2015-2021, thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 từ 2021, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai giai đoạn: Thí điểm và hoàn chỉnh.
Thông tư 3/2013/TT- BCT ngày 8/2/2013 của Bộ Công Thương đã quy định các điều kiện tham gia thị trường, cơ chế vận hành và trách nhiệm của các bên tham gia.
Sau một thời gian vận hành chính thức, số lượng nhà máy tham gia ngày càng tăng, làm sôi động yếu tố cạnh tranh trên thị trường, nhiều nhà máy đã tăng lợi nhuận chứng tỏ tính hấp dẫn của thị trường này.
Nếu như năm 2012 chỉ có 32 nhà máy điện với tổng công suất 9.200 MW, thì đến 31/3/2020 đã có 98 nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh với tổng công suất 26.895 MW.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đầu năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn là đơn vị mua buôn điện duy nhất như trước đây, mà đã có thêm 5 Tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Ngày 9/6/2020, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ngày 7/8 Bộ Công Thương phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến hết năm 2021 là giai đoạn chuẩn bị; Giai đoạn 2 từ 2022-2024 cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay; Giai đoạn 3 từ sau năm 2024 cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh là mô hình khuyến khích cạnh tranh trong phát điện. Tuy vậy chỉ có một người mua duy nhất là Công ty mua bán điện của EVN mua tất cả điện năng từ các đơn vị phát điện và bán cho các công ty phân phối với giá bán buôn.
Các công ty phân phối bán điện cho khách hàng dựa trên giá bán lẻ. Công ty mua bán điện thực hiện mua bán với các nhà máy được coi như đơn vị tham gia gián tiếp vào thị trường điện. Hợp đồng mua bán trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo mô hình Tư vấn thiết kế. Do đó, khoảng 50% công suất lắp đặt không được giao dịch trực tiếp trên thị trường.
Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện hạch toán độc lập trong EVN.
Thực tế cho thấy Việt Nam đang xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh nhưng nếu chỉ có một người mua là EVN thì vẫn chưa thể hình thành được một thị trường điện cạnh tranh chân chính.