Từ tháng 7 đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã mở tour “Về nhà” để du khách tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với “ngôi nhà tự nhiên”. Với tour du lịch này, du khách không chỉ được trực tiếp thả động vật hoang dã về rừng mà còn trở thành “sứ giả” giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên.
Hơn 5 tháng qua, nhiều du khách yêu thiên nhiên lan tỏa một tour du lịch ý nghĩa ở ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Với tên “Về nhà”, tham gia tour du lịch này, du khách được trực tiếp thả loài động vật hoang dã quý hiềm Cầy vòi mốc về rừng. Vườn Quốc gia Cúc Phương – đơn vị chính thực hiện tour này, hướng du khách tới việc “mỗi người dân trở thành một kiểm lâm viên” và cùng kiểm lâm bảo vệ cánh rừng được ví như “viên ngọc sinh thái quý giá của Châu Á”.
Được biết, từ đầu năm 2021, Chi cục Kiểm lâm và Công an tỉnh Bắc Giang bàn giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương 100 cá thể vòi mốc thu giữ từ những mua mua bán động vật hoang giã trên địa bàn. Những cá thể vòi mốc này được Vườn quốc gia Cúc Phương đưa vào chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Ông Lê Trọng Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Cúc Phương cho biết: “Đối với những loại động vật quý hiếm nguy cấp, nếu có số lượng thấp, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, chữa bệnh xong sẽ được tái thả ngay. Bởi nếu càng để lâu, động vật càng mất dần đi bản năng cũng như tập tính tự nhiên của chúng. Thay vào đó chúng sẽ phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của con người”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết: “Đến nay, hàng trăm đăng ký của các đoàn khách tham quan đang được chúng tôi bố trí, sắp xếp. Bởi, để đưa được một cá thể động vật hoang dã đặc biệt là cầy vòi mốc về với tự nhiên là cả một quá trình tiếp nhận, chữa trị, chăm sóc vất vả và đầy tâm huyết của các lực lượng chức năng và lực lượng chuyên môn của Vườn”.
Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên (nhân viên Công ty CP Tập đoàn Việt Nam Life) chia sẻ khi tham gia tour “Về nhà”: “Đối với tất cả những người trong đoàn đều cảm thấy ý nghĩa. Tour “Về nhà” sẽ đưa động vật hoang dã về nơi vốn dĩ mà nó thuộc về và truyền đi một thông điệp vô cùng lớn: Chúng ta hãy bảo vệ động vật hoang dã”.
Chứng kiến hoạt động tái thả động vật hoang dã trở về tự nhiên, anh Nguyễn Vũ Duy (Quận Bình Tân – TP.Hồ Chí Minh) không khỏi xúc động: “Mình cảm thấy rất may mắn khi có mặt trong chuyến đi này, chuyến đi đã giúp mình cảm nhận được, để một con thú đã bị bắt được trở lại với rừng chính là sự kì công của cơ quan chức năng. Từ đây, mình sẽ truyền tải thông điệp bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã tốt hơn, giúp cho các cá thể không còn bị săn bắt, buôn bán nữa”.
Tính đến nay, ngoài thả 100 cá thể vòi mốc về tự nhiên thì Vườn quốc gia Cúc Phương cũng đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng ngàn cá thể của nhiều loài khác nhau vềtại rừng nguyên sinh. Tour du lịch “Về nhà” tại Vườn cũng đã nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức trong và ngoài nước. Nhưng ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ: “Anh em trong vườn hay những người làm công tác bảo tồn và mọi người yêu động vật chắc hẳn đều không mong muốn có những tour như thế này bởi điều đó có nghĩa động vật hoang dã vẫn bị tàn sát, chúng vẫn chưa được an toàn trong ngôi nhà của chính mình. Hy vọng mỗi người cùng góp phần vào việc cứu động vật hoang dã, quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giữ được sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên”.
Trong chuyến công tác Vườn quốc gia Cúc Phương, ngày 1.7.2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đã trực tiếp tham gia tái thả cầy vòi mốc sau cứu hộ về rừng. Ông bày tỏ sự xúc động trước sáng kiến của Cúc Phương, khi biến hoạt động này trở thành một tour du lịch mang thông điệp giáo dục môi trường sâu sắc và đang có sức lan tỏa lớn.
Ở nước ta cầy vòi mốc phấn bố ở các tỉnh có rừng. Cầy vòi mốc có trọng lượng 6 – 9kg, dài thân 650 – 75mm, dài đuôi 535 – 660mm. Việc khai thác rừng thiếu kiểm soát ở nước ta diễn ra một thời gian dài nên dẫn đến mất nơi sống cầy vòi mốc. Cầy vòi mốc năm trong Sách đỏ thế giới (UICN) và là một trong những loài động vật cần được bảo vệ. |