Nghiên cứu mới của TRAFFIC phát hiện hàng nghìn cá thể chim bị rao bán trực tuyến bất hợp pháp ở Singapore, qua đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc cần thiết lập một hệ thống đăng ký vật nuôi là động vật hoang dã bắt buộc để người mua có trách nhiệm hơn, đồng thời ngăn nạn buôn bán chim trực tuyến không có giấy phép.
Hiện Singapore không yêu cầu chủ sở hữu phải lưu giữ hồ sơ mua bán chim hoặc giấy phép sở hữu chúng. Việc buôn bán hợp pháp các loài chim và động vật hoang dã khác được giám sát ở cấp độ người bán tức chỉ các cửa hàng thú cưng, người chăn nuôi và nhập khẩu đăng ký hợp pháp mới được bán động vật hoang dã.
Nghiên cứu phát hiện 3.354 động vật sống bị rao bán không phép trong 44 nhóm Facebook có trụ sở tại Singapore từ tháng 12/2018 đến tháng 4/2019, trong đó gần 99% động vật hoang dã là chim.
Bất chấp đại dịch, hoạt động buôn bán chim vẫn diễn ra sôi động. Khảo sát tháng 4/2021 cho thấy 36 nhóm Facebook liên tục chào bán chim trong các bài viết mới; 5/13 nhóm bị đóng cửa trước đó đã được lập lại, đặt ra thách thức đáng kể đối với việc thực thi pháp luật và làm cạn kiệt các quần thể chim hoang dã về lâu dài. Đáng chú ý là phần lớn các loài chim được cung cấp không phải là loài bản địa, đặc biệt có tới 49/93 loài trong khảo sát ban đầu thuộc Phụ lục CITES và phải có giấy tờ cần thiết mới được nhập khẩu và buôn bán.
Nghiên cứu đặt câu hỏi về nguồn gốc một số loài chim biết hót – một trong những nhóm chính được quan sát trên thị trường trực tuyến và thường có nguồn gốc hoang dã – rằng bên cạnh các loài chim biết hót được nhập khẩu hợp pháp từ các quốc gia lân cận và buôn bán trực tuyến thì một số cũng có thể bị săn trộm tại địa phương hoặc nhập lậu vào Singapore. Có bằng chứng cho thấy một số người dùng đã mua chim từ Thái Lan và Trung Quốc trong khi đi du lịch.
Việc buôn bán chim không được kiểm soát không chỉ làm suy giảm các quần thể hoang dã mà còn có nguy cơ hình thành các loài xâm lấn và lây truyền bệnh gia cầm. Do đó, việc triển khai một hệ thống yêu cầu chủ sở hữu phải đăng ký vật nuôi là động vật hoang dã sẽ giúp tăng trách nhiệm giải trình của chủ sở hữu và cho phép theo dõi hoạt động buôn bán chim từ cả người bán và người tiêu dùng cuối cùng của chuỗi thương mại cũng như kiểm soát dịch bệnh, Serene Chng, cán bộ Chương trình TRAFFIC, đồng tác giả báo cáo “Buôn bán chim trực tuyến trên Facebook ở Singapore” khẳng định.
Chng cho rằng một hệ thống hợp pháp sẽ ngăn chặn sự rò rỉ, xác minh bằng chứng mua bán hợp pháp và bất kỳ thay đổi nào về quyền sở hữu hoặc tiêu hủy động vật, đảm bảo tính hợp pháp dọc theo chuỗi cung ứng. Nó cũng sẽ cho phép thực hiện các hành động chống lại những kẻ mua bán trái phép động vật hoang dã. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là sự phối hợp của các cơ quan chính phủ và các nền tảng trực tuyến trong việc giám sát, điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã trực tuyến.
Từ phát hiện của nghiên cứu, Hội đồng Công viên Quốc gia Singapore (NParks) đã phối hợp với Facebook đóng cửa các nhóm và xóa các bài đăng có hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. NParks cũng gửi thư tư vấn cho người bán và quản trị viên của các nhóm trực tuyến trong khoảng thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021. Bên cạnh đó, NParks cũng thường tiến hành các cuộc đột kích để bắt giữ những kẻ bị tình nghi có hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Trong một cuộc đột kích vào tháng 4/2021, hơn 90 mẫu vật động vật hoang dã đã bị tịch thu. NParks cho biết công chúng có thể báo cáo về các trường hợp săn trộm hoặc buôn lậu động vật, giúp NParks phát hiện, xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến các loài chim.
Thảo Vy