Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, gió bấc thổi mạnh… Do đó, các chủ rừng trên địa bàn Đắk Nông đang tập trung canh gác, phát dọn thực bì… nhằm ngăn chặn hiệu quả “giặc lửa”.
Đơn cử như Vườn Quốc gia Tà Đùng hiện đang quản lý hơn 21.000ha rừng. Trong đó, có khoảng 7.000ha rừng được xếp vào loại dễ xảy ra cháy. Khi thời tiết chuẩn bị chuyển vào mùa khô, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã xây dựng kế hoạch chi tiết để huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt các phương án phòng chống cháy rừng.
Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng cho biết, thời điểm dễ xảy ra cháy rừng là từ tháng 11.2021 đến tháng 5.2022. Trong đó, từ tháng 12.2021 đến 3.2022 là thời điểm nắng nóng diễn ra gay gắt nhất, nguy cơ xảy ra cháy rừng là cao nhất.
Do đó, để chủ động bảo vệ và phòng chống cháy rừng, từ trước khi bước vào mùa khô, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tổ chức nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng cháy rừng.
Tùy đặc điểm tự nhiên của từng vùng, đơn vị đã thực hiện việc phát dọn, đốt thực bì, gắn bảng tuyên truyền cấm lửa lên cây rừng, bảng cảnh báo cháy rừng… Bên cạnh đó, các công cụ, phương tiện chữa cháy được đơn vị chủ động sẵn sàng phục vụ khi có đám cháy xảy ra.
Đặc biệt, trong những tháng mùa khô, các tổ, đội phòng chống cháy rừng của đơn vị sẽ tăng cường tuần tra tại các khu vực trọng yếu dễ xảy ra cháy rừng, khu vực ranh giới tiếp giáp với rẫy của người dân…
“Nhằm bảo đảm công tác bảo vệ rừng, đơn vị đã thành lập 1 ban chỉ huy phòng cháy rừng và 5 tổ đội, mỗi tổ có khoảng 20 – 30 người. Các tổ đội này ngoài được huấn luyện, đào tạo kỹ năng thì còn được trang bị phương tiện, thiết bị về phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ” – ông Long khẳng định.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 247.762ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 196.285ha, rừng trồng hơn 51.477ha.
Ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã đôn đốc các chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng cho mùa khô. Liền sau đó, các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ở gần rừng cùng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.
“Đối với khu vực giáp ranh với khu dân cư, các chủ rừng đã vận động người dân sử dụng lửa đúng cách, an toàn để phòng chống cháy rừng hiệu quả. Qua kiểm tra, đến nay, các đơn vị đã triển khai xây dựng đường băng cản lửa, phát dọn thực bì, thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng… nhằm kéo giảm tối đa nguy cơ cháy rừng trong mùa khô” – ông Dần cho biết.