Tiêu dùng có trách nhiệm giúp ngăn nạn gỗ lậu ở Mê Kông

Từ những năm 1950, những khu rừng nhiệt đới trù phú của khu vực Mê Kông mở rộng (GMS) đã dần cạn kiệt do nhu cầu gỗ ngày càng tăng của thế giới. Mặc dù các quốc gia đã nỗ lực kiểm soát hoạt động khai thác và xuất khẩu gỗ, đặc biệt là nạn khai thác gỗ lậu, tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường thực thi pháp luật và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm.

Nhận thức được tác động của việc buôn bán gỗ đối với rừng tự nhiên, chính phủ các nước GMS (gồm Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campucia, Thái Lan, Myanmar) đã ban hành nhiều quy định để điều chỉnh hoạt động khai thác, xuất khẩu gỗ trong vài thập kỷ qua. Các quy định này chủ yếu nhằm bảo vệ các khu rừng hiện có, đồng thời khuyến khích chuyển dịch sang ngành công nghiệp chế biến gỗ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Một số quốc gia như Việt Nam và Thái Lan đã chuyển đổi thành công theo định hướng này. Tuy nhiên, Campuchia, Myanmar và Lào vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong triển khai và thực thi luật lâm nghiệp, trong đó, trở ngại chính yếu đến từ sự thiếu quyết tâm chính trị cùng sự thông đồng của các quan chức, thương nhân và các nhóm tội phạm.

Nguồn: Mongabay

Điều đáng nói là khi rừng của Campuchia tiếp tục cạn kiệt, phần lớn nguồn gỗ bất hợp pháp được khai thác nhằm cung ứng cho các thị trường trong khu vực qua được tiểu ngạch đều đến từ các khu bảo tồn.

Từ năm 2018 – 2020, thông qua phỏng vấn tại chỗ kết hợp sử dụng GPS, máy ảnh tầm nhìn ban đêm, máy ảnh lỗ kim và các thiết bị khác, các điều tra viên của tổ chức NGO Global Initiative đã ghi lại được hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp ở hai khu bảo tồn động vật hoang dã Prey Lang và Prey Preah Roka của Campuchia. Nhóm cũng phân tích ảnh vệ tinh từ Google để xác nhận tình trạng mất rừng và sử dụng máy bay không người lái nhằm ghi lại hình ảnh các bãi khai thác gỗ lớn. Kết quả cho thấy nhiều công ty khai thác gỗ trong các khu bảo tồn, lâm tặc đốn hạ các loài cây được pháp luật bảo vệ. Đặc biệt, có hiện tượng doanh nghiệp ép buộc cộng đồng địa phương từ bỏ quyền lợi với mức bồi thường thấp trong khi công ty kiếm lợi hàng trăm triệu đô la từ hoạt động khai thác gỗ.

Nhằm giảm thiểu nạn khai thác, buôn bán gỗ lậu tại Mê Kông, bên cạnh yêu cầu tăng cường thực thi pháp luật, cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn đối với các sản phẩm gỗ dưới áp lực của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng có trách nhiệm, đơn cử như các nhà máy tại Việt Nam đẫ buộc phải tăng lượng gỗ nhập khẩu có chứng chỉ để đáp ứng nhu cầu từ IKEA và nhiều công ty nội thất khác.

Minh Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: