14 loài chuột chù mới đã được phát hiện trên đảo Sulawesi của Indonesia. Điều này đã đánh dấu một cột mốc mới.
Theo Daily Mail, các sinh vật – được tìm thấy sau một cuộc khảo sát kéo dài một thập kỷ trên đảo Sulawesi – được xác nhận là loài mới dựa trên các đặc điểm ngoại hình và trình tự DNA.
Phát hiện này đánh dấu số lượng các loài động vật có vú mới lớn nhất được mô tả trong một bài báo khoa học trong 90 năm – kể từ năm 1931, theo các nhà nghiên cứu.
Chuột chù là một nhóm động vật có vú đa dạng với 461 loài đã được xác định cho đến nay. Chúng phân bố gần như toàn cầu và có mối quan hệ họ hàng gần với nhím và chuột chũi hơn bất kỳ loài động vật có vú nào khác.
Khám phá được một nhóm các nhà khoa học do nhà nghiên cứu động vật học Jake Esselstyn thuộc Đại học Bang Louisiana (Mỹ) đứng đầu thực hiện.
Họ đã phát hiện ra sự tồn tại của 21 loài chuột chù trên đảo Sulawesi và chỉ có 7 loài trong đó được công nhận trước đây. Sự đa dạng của chuột chù trên hòn đảo này hiện gấp 3 lần so với bất kỳ hòn đảo nào khác.
Tất cả 14 loài đều thuộc chi Crocidura – một phần của họ chuột chù răng đỏ có tên là Soricinae. Trong chi này, 14 loài được chia thành 5 nhóm: Long-Tailed, Rhoditis, Small-Bodied, Thick-Tailed và Ordinary.
Thông tin di truyền và manh mối hình thái đã giúp các nhà nghiên cứu tách chuột chù thành các loài khác nhau.
Esselstyn nói với MailOnline: “Về mặt hình thái, chúng tôi nhận thấy các tỉ lệ cơ thể khác nhau hữu ích nhất trong việc phân biệt các loài.
Chúng bao gồm kích thước tổng thể của cơ thể và một số tỉ lệ, bao gồm chiều dài đuôi so với chiều dài cơ thể, chiều dài hộp sọ so với chiều rộng hộp sọ, chiều dài của phần trước hộp sọ so với phần sau”.
Kết quả nghiên cứu đã được trình bày chi tiết hơn trên tạp chí Bulletin của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.