Cần bảo vệ các loài lưỡng cư trước nạn buôn bán thiếu kiểm soát và nguy cơ dịch bệnh

Là nhóm động vật có xương sống có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất nhưng hiện có tới 98% hoạt động buôn bán quốc tế các loài lưỡng cư không được quản lý và có thể có nguy cơ bị khai thác quá mức nghiêm trọng. Trước thềm cuộc họp thứ 19 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước CITES dự kiến được tổ chức tại thành phố Panama, Cộng hòa Panama vào tháng 11/2022 (CoP19), TRAFFIC kêu gọi cần bảo vệ các loài lưỡng cư dễ bị tổn thương nhất trước nạn buôn bán thông qua các biện pháp quốc gia và quốc tế được tăng cường.

Nhái bén vằn (Phyllomedusa hypochondrialis). Ảnh: WWF Brazil / Zig Koch

TRAFFIC vừa công bố báo cáo đánh giá nhanh về tình trạng buôn bán các loài lưỡng cư hiện không được liệt kê trong các phụ lục Công ước CITES ở ba quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức. Theo đó, một số lượng lớn các loài lưỡng cư không được liệt kê trong Công ước CITES hiện đang bị buôn bán. Ít nhất 267 loài không được liệt kê trong các giao dịch thương mại dù 0,5% số này thuộc các danh mục bị đe dọa của IUCN (NT, VU, EN, CR) và 29% có nguồn gốc từ tự nhiên.

Cũng theo nghiên cứu, Hoa Kỳ được báo cáo đã nhập 27 triệu cá thể lưỡng cư sống từ năm 2008 đến năm 2018, trong đó gần 1/3 không được liệt kê theo Công ước CITES và được báo cáo là có nguồn gốc từ tự nhiên; 2/3 còn lại tuy được báo cáo từ nguồn nuôi nhốt, song tỷ lệ thực tế từ tự nhiên có thể cao hơn vì tình trạng “rửa” các cá thể săn bắt từ tự nhiên đã được báo cáo trước đây ở động vật lưỡng cư. Trong khi đó, Nhật Bản vừa đóng vai trò là quốc gia nguồn, vừa là quốc gia đích cho thương mại lưỡng cư. Số động vật lưỡng cư tại Nhật Bản được báo cáo nhập khẩu từ ​​Hoa Kỳ chiếm số lượng cao nhất với 27.000 cá thể trong tổng số 130.000 loài lưỡng cư từ năm 2005 – 2020. Còn tại Đức, nhu cầu nuôi động vật ngoại lai cũng rất cao bao gồm cả động vật lưỡng cư. Cuộc khảo sát kéo dài 12 tháng trên thị trường trực tuyến Đức cho thấy có 352 loài lưỡng cư bị rao bán.

Sự suy giảm của các loài lưỡng cư trên toàn cầu có thể được thúc đẩy bởi dịch bệnh (năm 2019 ước tính 90 loài động vật lưỡng cư bị đẩy đến tuyệt chủng sau sự bùng phát của nấm chytrid Batrachochytrium dendrobatidis) cùng hoạt động buôn bán, nhất là buôn bán thiếu kiểm soát các loài có nguồn gốc từ tự nhiên.

Từ các phát hiện nhanh được ghi nhận, TRAFFIC đề xuất một danh sách các loài lưỡng cư được ưu tiên bảo tồn cao, và đối với các loài đáp ứng các tiêu chí liên quan, TRAFFIC đề nghị các Bên của Công ước CITES xem xét đề xuất các loài này vào danh sách Công ước CITES tại cuộc họp tiếp theo của Hội nghị CoP19 dự kiến tổ chức ​​vào tháng 11/2022 tại Panama.

Linh Nhi

Nguồn: