Trong quá trình thi công một hạng mục thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, nhà thầu là công ty CP Toàn Thịnh phát hiện mỏ cao lanh nhưng không báo cáo mà tự ý vận chuyển ra ngoài địa bàn. Sự việc khiến dự án cao tốc trị giá hơn 3.100 tỉ đồng gặp khó.
Như Lao Động đã đưa tin, dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư trên 3.100 tỉ đồng.
Trong quá trình thi công san hạ cốt nền Khu tái định cư xã Đại An (Khu 1, xã Đại An, huyện Thanh Ba, Phú Thọ), người dân phản ánh đơn vị thi công đã vận chuyển một phần đất (nghi ngờ là khoáng sản cao lanh) ra khỏi địa bàn huyện.
Ngày 12.11.2021, Công an huyện Thanh Ba phối hợp Phòng TNMT đã kiểm tra và tạm giữ một số phương tiện vận chuyển của đơn vị thi công để xem xét, xử lý theo quy định. UBND huyện Thanh Ba đã thông báo tình hình với Chủ đầu tư và đề nghị đơn vị thi công tạm dừng vận chuyển đất ra khỏi địa bàn huyện.
Tuy nhiên do việc vận chuyển đất ra khỏi địa phương vẫn tiếp diễn nên ngày 30.11, dù thời gian bàn giao mặt bằng đã cận kề, chính quyền địa phương vẫn buộc Công ty CP Toàn Thịnh dừng hoàn toàn hoạt động san lấp, rút hết máy móc và phương tiện ra khỏi khu vực thi công.
Song song với vụ lùm xùm trên, thêm một lý do khiến giới chức địa phương đau đầu chính là công tác đổ thải.
Do hợp đồng quy định quãng đường di chuyển để đổ thải không quá 1km, dẫn đến hàng vạn khối đất hình thành từ quá trình san núi, bạt đồi không có chỗ chứa, chất hàng đống cao sừng sững.
Ngày 13.12, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Trung Tình – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết UBND huyện chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng trước và dùng quỹ đất đấu giá năm 2022 làm bãi đổ thải. Theo ông Tình UBND tỉnh cũng đã đồng ý với phương án này nên huyện đang tiến hành họp dân thống nhất.
“Trong tuần này, Sở TNMT sẽ lên khu vực công trường của công ty CP Toàn Thịnh để xác minh đó có phải khoáng sản cao lanh không, hàm lượng, trữ lượng cụ thể là bao nhiêu… sau khi có kết quả, cấp lãnh đạo sẽ quyết định việc dự án được tiếp tục thi công hay không”, ông Tình nói.
PV đã liên lạc với ông Bùi Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ để hỏi về biện pháp xử lý các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm. Đặc biệt là trách nhiệm của Công ty CP Toàn Thịnh khi phát hiện ra mỏ cao lanh nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng.
Qua điện thoại ông Quang khẳng định: “Không có trường hợp nào khác, tất cả phải thực hiện theo đúng quy định”.
Đại diện Công an tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, mọi hoạt động san gạt, đào bới của công ty CP Toàn Thịnh đều đang bị dừng lại hoàn toàn, tất cả sẽ được tiến hành thanh kiểm tra theo quy định và sau đó xin ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh.
Công ty CP Toàn Thịnh có địa chỉ tại đường Nguyễn Du, Phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Công ty được thành lập năm 2003 với hơn 10 ngành nghề trong đó chủ yếu liên quan đến xây lắp và vận tải. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là bà Nguyễn Thị Châm. |