Điện Biên – Hàng chục cơ sở chế biến dong riềng ở đầu nguồn liên tục xả thải gây ô nhiễm môi trường. Dòng nước thải đen kịt bốc mùi hôi thối đang bao vây TP. Điện Biên Phủ và bức tử Sông Nậm Rốm.
Ngày 14.12, Nhóm PV đã “đột nhập” vào một số cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên – nơi được cho là nguyên nhân chính tạo ra những dòng nước đen kịt, hôi thối đang bủa vây TP. Điện Biên Phủ.
Tại khu vực này, dong riềng được các cơ sở sản xuất mua về chất cao như núi kéo dài cả mấy trăm mét. Riêng xã Nà Tấu có tới gần 10 cơ sở sản xuất, chế biến nhộn nhịp như một cụm công nghiệp nằm giữa khu dân cư.
Chủ 1 cơ sở cho biết, bình quân mỗi ngày 1 cơ sở chế biến khoảng 10-12 tấn dong riềng. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Sở TNMT Điện Biên thì riêng khu vực xã Nà Tấu có 8 cơ sở sản xuất liên tục với công suất trung bình là 30-50 tấn/ngày/cơ sở, cao điểm có cơ sở sản xuất 80 tấn/ngày…
Chủ cơ sở này, ông L.V.X cho biết, cơ sở của ông có 5 cái ao chứa nước thải để làm lắng sau đó mới xả ra suối.
Tuy nhiên, tại thời điểm PV ghi hình, cơ sở vẫn có hàng chục công nhân đang hoạt động, thế nhưng ao chứa nước thải lại không hề có nước…
Đây được cho là hệ thống xử lý nước thải của 1 cơ sở sản xuất hàng chục tấn dong riềng mỗi ngày.
Lần theo dòng suối đầu nguồn sông Nậm Rốm thì PV tận mắt chứng kiến nhiều điểm xả thải trực tiếp như thế này.
Và đây là điểm xả thải của một cơ sở đã qua xử lý…
Có thể nhận thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng đều chọn vị trí gần suối để dễ dàng xả thải mà không phải lo bể chứa.
Các dòng nước thải đen kịt kéo dài gần 20km dọc theo những con suối đầu nguồn sông Nậm Rốm.
Sau đó nước thải bị chặn lại ở Đập đầu mối của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm rồi theo hệ thống kênh tả – hữu chảy đi khắp lòng chảo Điện Biên.
Ông Nguyễn Văn Duyên – Chủ tịch chuyên trách kiêm Giám đốc Công ty TNHH quản lý Thủy nông Điện Biên cho biết: “Đây là vấn đề rất nhức nhối từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có chức năng điều phối nguồn nước thủy lợi chứ không có chức năng xử lý các cơ sở gây ô nhiễm. Chúng tôi cũng đã phối hợp làm việc với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, tuy nhiên… rất khó”.
“Chúng tôi cũng đã có cảnh báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản hạn chế lấy nước vào các ao hồ nếu không thực sự cần thiết do nguồn nước đang ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng” – ông Duyên cho biết thêm.
Sáng 15.12, trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Vương – Giám đốc Sở TNMT Điện Biên cho biết, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 18 cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng, trong đó có 15 cơ sở đang hoạt động, riêng khu vực Nà Tấu có 8 cơ sở hoạt động liên tục.
Qua kiểm tra hầu hết các cơ sở có hệ thống xử lý chất thải chưa đảm bảo. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. “Tuy vậy, theo thẩm quyền thì UBND cấp huyện, thành phố có trách nhiệm thẩm định, cấp phép; sau đó phải thực hiện kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm” – ông Vương thông tin thêm.