Đảm bảo an ninh nguồn nước tại khu vực ĐBSCL là vấn đề đang được các nhà quản lý, khoa học và người dân quan tâm, lo ngại.
Xây dựng nhiều mô hình sinh kế vào mùa nước nổi
Từ năm 2018 đến năm 2021, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) tại Việt Nam đã triển khai Dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại 3 tỉnh vùng thượng nguồn ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Long An. Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi bao gồm: du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá – sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau (ấu, hẹ nước…).
Mục tiêu của dự án là trình diễn các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi trên diện tích là 470 ha, góp phần bảo tồn và khôi phục 8,6 triệu m3 nước lũ. Thông qua việc trình diễn các mô hình thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và khôi phục chức năng hệ sinh thái đồng lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2017.
Trong khuôn khổ dự án, Viện Kinh tế Sinh thái (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, kết quả của Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen Việt Nam” đã được các địa phương ứng dụng vào phát triển kinh tế. Cụ thể, tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, người dân đã được tập huấn kéo miết tơ sen lấy sợi và kiến thức về kỹ thuật trồng sen. Hiện nghề này đã được lan tỏa sang các tỉnh miền Tây khác như: Bến Tre, An Giang…
Dự án cũng đã giới thiệu kiến thức mới cho phụ nữ trong vùng về sản xuất sợi tơ có giá trị cao từ cọng sen vốn trước đây không có giá trị kinh tế. Điều đó cũng chứng minh rằng phụ nữ địa phương có khả năng giữ lại giá trị cao của tơ sen ở ĐBSCL bằng cách sản xuất vải sen có giá trị cao. Ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đầy tiềm năng này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và cần được hỗ trợ để phát triển hơn nữa.
Theo kết quả đánh giá thực hiện mô hình dự án sinh kế mùa nước nổi (trồng sen) năm 2018 – 2020 của tỉnh An Giang, nhiều mô hình thí điểm đã chứng minh tính bền vững, hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng. Điển hình là hiệu quả về môi trường của dự án ruộng sen tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ruộng sen mang lại phù sa hằng năm trung bình từ 0,5 – 0,7 cm, ruộng sen trữ nước bình quân 0,9 m nước, qua đó, giúp cho đất có thêm phù sa, người dân tốn ít chi phí hơn trong vụ lúa Đông Xuân.
Hiệu quả về xã hội, ước mỗi hecta sen tạo việc làm cho 4 lao động trực tiếp, 4 lao động gián tiếp. Đồng thời, mô hình này giúp người dân có sinh kế trong mùa nước, tăng thêm thu nhập… Bên cạnh những lợi ích về kinh tế- xã hội, các mô hình còn góp phần hỗ trợ cho chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gia tăng khả năng trữ nước ngọt cho vùng ĐBSCL.
Những bài toán hóc búa trong việc liên kết vùng, đảm bảo an ninh nguồn nước
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động lớn đến sản xuất của người dân vùng ĐBSCL, nhất là tình trạng hạn hán, sụt lún, xâm nhập mặn, ngập úng… diễn ra ngày càng gay gắt. Thế nhưng khu vực ĐBSCL vẫn chưa có nhiều công trình thủy lợi trọng điểm mang tính liên vùng để góp phần giảm thiểu rủi ro, giúp người dân an tâm sản xuất.
Vấn đề đặt ra cho Chính phủ và ngành nông nghiệp là cần tìm những giải pháp ứng phó với tình hình trước mắt và lâu dài. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài của ĐBSCL. Với quan điểm nhất quán của Chính phủ là phải “thuận thiên” để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cho biết: “Nghị quyết 120 đặt ra vấn đề liên kết vùng, tiểu vùng, các tỉnh lại với nhau là chủ trương, chính sách rất hợp lý. Nếu liên kết các vùng lại, chúng ta sẽ có tầm nhìn rộng hơn và có thể lợi dụng đặc điểm, điều kiện tư nhiên của từng vùng để phát triển kinh tế, nông nghiệp”.
Ngoài ra, thách thức đến từ việc đảm bảo an ninh nguồn nước sông Mekong và câu chuyện tại khu vực ĐBSCL là vấn đề đang được các nhà quản lý, khoa học và người dân ở khu vực ĐBSCL quan tâm, lo ngại. Lí do chính vì nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, mất an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án thủy điện phát triển ở vùng thượng nguồn sông Mekong đang đe đọa đến vùng hạ nguồn ĐBSCL.
Nguyên nhân chính được cho là lượng mưa hằng năm thấp nên mực nước sông Mekong hạ thấp ngay trong mùa lũ, dẫn đến vùng hạ nguồn thiếu nước trầm trọng. Theo Ths. Kỷ Quang Vinh, Nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ, vấn đề lớn nhất của an ninh nguồn nước vẫn là do biến đổi khí hậu. Năm 2021 lượng mưa trên thượng nguồn ít đã dẫn đến việc không đủ nước để tạo nên đỉnh lũ để chảy về khu vực ĐBSCL.