Thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng và đang lấy ý kiến Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành.
Cấp thiết quy định giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có quy định yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí với nhiều giải pháp cấp bách, quan trọng, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV/2021.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ có liên quan (Bộ GTVT, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an), các Hiệp hội (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM)) để thực hiện nghiên cứu, đánh giá đối với từng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông đã được ban hành và có đề xuất kiến nghị đối với từng đối tượng phương tiện giao thông.
Theo Bộ TN&MT, tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với một số nước thuộc khu vực châu Âu, châu Á (Nhật Bản, Đài Loan…) và trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan). Hiện Việt Nam chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với khí thải ô tô đang lưu hành. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với khí thải ô tô đang lưu hành, trong đó, quy định giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm: Cacbonmonoxit (CO), Hydrocacbon (HC) trong khí thải của động cơ cháy cưỡng bức và độ khói trong khí thải của động cơ cháy do nén được lắp trên xe đang lưu hành là hết sức cấp thiết.
Kế thừa và bổ sung một số giá trị giới hạn
Hiện nay, quy định hiện hành giới hạn xác định tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện ô tô đang lưu hành quy định tại TCVN 6438:2018 Phương tiện giao thông đường bộ – Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải. Tuy nhiên, từ thời điểm ban hành TCVN 6438:2005 đến nay là TCVN 6438:2018 không thay đổi giá trị các mức 1, 2, 3 và 4. Việc áp dụng đối với xe ô tô đang lưu hành sản xuất từ năm 2008 đến nay vẫn áp dụng mức 2.
Sau khi nghiên cứu, đánh giá, Bộ TN&MT Dự thảo Quy chuẩn quy định ngưỡng giới hạn cho 4 thông số (CO, HC, Lamđa (hệ số dư lượng không khí) và độ khói đối với khí thải của các loại phương tiện ô tô) trên cơ sở tiếp tục kế thừa các thông số từ TCVN 6438:2018. Đồng thời, căn cứ vào số liệu đo kiểm thực tế của Cục Đăng kiểm và kết hợp kinh nghiệm quốc tế các nước trong khu vực châu Á và châu Âu, bổ sung các giá trị ở mức 5.
Theo đó, nồng độ thông số CO ở mức 5 hiện đang xin ý kiến ở mức 0,3 – 0,2% (đo không tải và không tải có tăng tốc). So với các nước khác như Trung Quốc, thông số CO đang quy định là 0,3% đối với xe đăng ký sau 1/7/2000, chặt chẽ hơn mức 4 của Việt Nam; Singapore, thông số CO là 0,5 – 0,3% đối với xe đăng ký từ 1/4/2014, tương đương mức 4 của Việt Nam; Thái Lan, thông số CO là 0,5% đối với xe đăng ký từ 1/1/2007 đương mức 4 của Việt Nam; Đài Loan, thông số CO là 1,2% đối với xe đăng ký từ 1/8/1992, chặt chẽ hơn mức 3, thấp hơn mức 4 của Việt Nam; các nước châu Âu: Thông số CO là 0,3 – 0,2% đối với xe đăng ký từ 1/7/2002, tương đương mức 5 trong Dự thảo QCVN;
Mức 1: Giá trị giới hạn lớn nhất cho phép của nồng độ CO là 4,5% thể tích, HC 1.200 ppm; Mức 2: CO 3,5%, HC 800 ppm; Mức 3: CO 3,0% thể tích, HC 600 ppm… cùng với: Lamđa (hệ số dư lượng không khí); không quy định giới hạn lớn nhất cho phép độ khói trong khí thải. Mức 4: CO từ 0,5 – 0,3%, HC 300 – 200 ppm; Lamđa (hệ số dư lượng không khí) 0,97 – 1,03%; không quy định giới hạn lớn nhất cho phép độ khói trong khí thải. |
Đối với nồng độ thông số HC, Dự thảo xin ý kiến ở mức 5 là 250 – 150 ppm (đo không tải, không tải có tăng tốc). So với Trung Quốc, thông số HC là 150 – 100 ppm đối với xe đăng ký sau 1/7/2020, chặt chẽ hơn cả mức 5 trong Dự thảo, mức 250 – 200 ppm đối với xe ô tô hạng nặng sản xuất sau 1/9/2004, tương đương mức 5 trong Dự thảo; Singapore, thông số HC là 300 ppm đối với xe đăng ký từ 1/1/2001 đến 1/4/2014, tương đương mức 4 của Việt Nam, sau đó không giám sát thông số HC nữa, tương tự các nước EU; Thái Lan, thông số HC là 100 ppm đối với xe đăng ký từ 1/7/2007, chặt chẽ hơn cả mức 5 của Việt Nam; Đài Loan, thông số HC là 220 ppm đối với xe đăng ký từ 1/8/1992, chặt chẽ hơn mức 5 trong Dự thảo; Các nước Châu Âu: không quy định giám sát đối với thông số HC.
Dự thảo quy chuẩn này nếu được ban hành sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành tại Việt Nam. Ngoại trừ các loại xe cơ giới đặc chủng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.