Thêm nhiều thông tin cho thấy biến thể Omicron làm giảm tác dụng của vaccine và có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó.
Trong cuộc họp báo ngày 14-12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục công bố thêm một số thông tin mới về tác dụng của các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện hành với biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, ông Ghebreyesus cho biết dựa vào các dữ liệu mới nhất, các loại vaccine hiện nay khi tiếp xúc với Omicron bị giảm nhẹ hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong, khả năng bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi lây nhiễm cũng giảm sút – tuy ông không nói rõ là giảm bao nhiêu phần trăm.
Giám đốc điều hành các chương trình y tế khẩn cấp của WHO – ông Mike Ryan, cùng có mặt trong buổi họp báo, có đính chính rằng những thông tin này không có nghĩa là vaccine không còn tác dụng trước biến thể mới.
“Hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong tuy có sụt giảm nhưng vẫn tương đối cao. Vaccine đến lúc này vẫn là giải pháp hàng đầu chống lại COVID-19. Nếu dịch bênh lại bùng phát nghiêm trọng thì người dân vẫn còn lựa chọn tiêm thêm các liều tăng cường” – ông Ryan khẳng định.
Cũng trong ngày 14-12, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ – bà Rochelle Walensky trả lời phỏng vấn của đài NBC đã cho biết dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nặng ở người nhiễm nhưng khả năng lây lan cao hơn các biến thể khác nên số lượng ca bệnh sẽ tăng lên trong thời gian tới.
“Chúng tôi theo dõi dữ liệu và thấy rằng những người nhiễm Omicron dù khi nhập viện thì thời gian nằm lại ngắn hơn, ít cần phải hỗ trợ thở oxy và ít người phải cần đưa vào khu hồi sức tích cực (ICU) hơn những đợt dịch trước” – bà Walensky nói thêm.
Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo không nên xem lạc quan quá sớm với việc Omicron độc tính không cao. Lý do biến thể này đang hoạt động song song với các biến thể khác như Alpha, Delta; càng nhiều biến thể cùng lây lan, rủi ro người dân nhiễm bệnh, trở nặng và tử vong càng cao.
Chỉ cần một lượng nhỏ người nhiễm bệnh cùng lúc phải nhập viện cũng sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, nhất là ở những địa phương đang thiếu thốn nguồn lực hoặc chưa nâng cấp kịp cơ sở hạ tầng. “Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang và tiêm vaccine liều tăng cường” – bà Walensky nêu rõ.
Hồi ngày 12-12, WHO từng ra thông báo với nội dung tương tự những gì bà Walensky đã trao đổi. Các dữ liệu do tổ chức thu thập cũng xác nhận Omicron lây nhiễm nhanh hơn biến thể Delta, cũng như có khả năng làm giảm tác dụng của vaccine, dù rằng không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng trên cơ thể người bệnh.
Theo số liệu của CDC, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ ngày 4 đến 11-12 vừa qua, biến thể Omicron hiện chiếm gần 3% các trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Mỹ, cho thấy biến thể mới đang bắt đầu gia tăng ở đây.
CDC ước tính biến thể Omicron chiếm 2,9% các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong tuần kết thúc vào ngày 11-12 – tăng từ mức 0,4% một tuần trước đó. Con số này được cho là sẽ nhanh chóng tăng lên khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến ở các nước khác.