Buôn lậu động vật hoang dã là mối đe dọa đa dạng sinh học toàn cầu và internet càng làm trầm trọng thêm các thách thức ứng phó.
Trước sự bùng nổ của tội phạm online, năm 2018, IFAW, WWF và TRAFFIC khởi động Liên minh chấm dứt buôn lậu động vật hoang dã trực tuyến, đến nay đã giúp xóa hoặc chặn hơn 11,6 triệu quảng cáo khỏi các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều, nhất là trước sự thiên biến vạn hóa của tội phạm động vật hoang dã và hạn chế trong thực thi pháp luật về điều tra, xử lý vi phạm online.
Ý tưởng thành lập liên minh được manh nha từ nhiều năm trước. Đối với Danielle Kessler, khi đó bà còn chưa là giám đốc Quỹ phúc lợi động vật quốc tế (IFAW) tại Mỹ. Năm 2008, chứng kiến hàng loạt động vật hoang dã bị buôn bán trên mạng, bà đã nghĩ rằng cần hợp lực với các công ty công nghệ để ngăn vấn nạn này, dù thời điểm đó, Internet và mạng xã hội chưa phát triển như ngày nay.
Vấn đề của buôn lậu động vật hoang dã trực tuyến là có quá nhiều loài, quá nhiều sản phẩm và nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, với sự bắt tay của 47 công ty công nghệ hiện đang sở hữu 11 tỷ tài khoản người dùng bao gồm nhiều ông lớn như Facebook, Google, Etsy, Microsoft, Poshmark, eBay, Tencent, Alibaba, Weibo và gần đây là TikTok, hơn 11,6 triệu quảng cáo đã bị gỡ hoặc ngăn chặn; riêng 5 tháng đầu năm, đã có gần 2.000 nhóm Facebook liên quan đến buôn lậu động vật hoang dã ở hai điểm nóng Philippines và Indonesia bị gỡ.
Mặc dù các báo cáo cho thấy nhu cầu về ngà voi đang giảm nhưng hoạt động buôn bán trực tuyến vẫn rầm rộ. Khảo sát của IFAW cho thấy 44% quảng cáo là ngà voi, gần 20% quảng cáo về các loài vật nuôi độc lạ, vảy tê tê được dùng trong y học cổ truyền và sản xuất đồ da, đồ da từ rùa biển rất phổ biến, rùa biển và các loài chim chiếm phần lớn trong buôn bán thú cưng độc lạ. Đặc biệt, dữ liệu đầu năm nay ghi nhận nhiều bộ phận và sản phẩm từ gấu đen cũng bị rao bán. Hai trong số những thị trường chính mà Liên minh nhắm tới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong đó Hoa Kỳ là một trong những nước buôn bán động vật hoang dã lớn nhất, cả hợp pháp và bất hợp pháp, còn Trung Quốc đang có sự thay đổi lớn trong việc buôn bán trái phép động vật hoang dã từ chợ trực tuyến sang mạng xã hội.
Một trong những thách thức lớn mà Liên minh phải đối mặt là sự ứng biến nhanh lẹ của tội phạm trực tuyến. Nếu loại bỏ buôn lậu động vật hoang dã trên một nền tảng, các đối tượng lập tức chuyển sang nền tảng khác. Bên cạnh đó, buôn lậu động vật hoang dã thiếu những quy định rõ ràng. Luật pháp về thương mại hợp pháp rất phức tạp và khác nhau giữa quốc gia, thậm chí theo tiểu bang hoặc thành phố, chưa kể nhiều cơ quan chính phủ không đủ năng lực hoặc nguồn lực để giám sát các lô hàng thực tế cũng như những gì diễn ra online.
Các biện pháp bảo vệ loài cũng rất khác nhau, nhất là với các động vật sống bị buôn lậu – việc xác định chúng từ một bức ảnh gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là khi ảnh thật không được sử dụng. Để khắc phục điều này, các chuyên gia sẽ giúp xác định loài cùng mức độ bảo vệ, sau đó nhập các từ khóa để nhận diện vi phạm và gửi kết quả cho thành viên Liên minh nhằm gỡ bỏ. Một số công ty sử dụng tính năng quảng cáo để ngăn việc mua bán bất hợp pháp bằng cách hiển thị quy định bảo vệ loài một khi người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan, tuy nhiên, phần lớn biện pháp này vẫn dừng ở nâng cao nhận thức, chỉ một số ít nâng lên thành thực thi pháp luật.
Ngoài các thách thức kể trên, thẩm quyền truy tố tội phạm trực tuyến cũng gặp nhiều trở ngại bao gồm việc xác định đối tượng vi phạm là ai, ở đâu cũng như phân biệt buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp. Riêng ở Mỹ, với Đạo luật Lacey, chính quyền có thể truy tố các hành vi vi phạm luật pháp nước ngoài nhưng có mối liên hệ với Mỹ. Đơn cử, tháng 12/2020, Bộ Tư pháp Mỹ dẫn độ một công dân Trung Quốc từ Malaysia vì bị cáo buộc tài trợ cho một đường dây buôn 1.500 cá thể rùa được bảo vệ ra khỏi Hoa Kỳ. Đầu năm nay, một đối tượng ở Texas cũng bị kết án gần 2 năm tù do sử dụng Facebook để kết nối nhà cung cấp và khách hàng trong đường dây buôn lậu quốc tế các động vật hoang dã được bảo vệ.
Kessler hy vọng sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia Liên minh và tạo ra nhiều phương pháp tự động trong việc tìm kiếm các bài đăng cũng như cung cấp thuật toán trực tuyến với các từ khóa mới, tuy nhiên cần đi trước các từ khóa này vì đối tượng buôn lậu cũng tìm hiểu quy định pháp luật và khai thác các sơ hở hiện có để đảm bảo bài đăng nằm trong vùng an toàn. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm truy bắt các đối tượng cầm đầu đường dây thay vì đánh vào các cá nhân riêng lẻ.
Chenyue Ma, giám đốc chương trình thuộc IFAW tại Trung Quốc thì nhấn mạnh rằng không nên chính trị hóa việc bảo tồn động vật hoang dã, việc loại bỏ Trung Quốc không phải là một giải pháp và buôn lậu động vật hoang dã trực tuyến ở những nơi khác như Mỹ và Nhật Bản còn ít được quan tâm. 10 năm tới có thể là khoảng thời gian cuối cùng để các quốc gia hành động, nếu để những khác biệt chính trị chiến thắng lợi ích chung thì chúng ta có thể thua trận hoàn toàn.
Minh Anh (Theo Mongabay)