Các nhà nghiên cứu tại ĐH Queensland (Úc) đã sử dụng quy tắc lựa chọn danh mục đầu tư trong đánh giá rủi ro – một lý thuyết kinh tế từng đoạt giải Nobel, để chọn ra 50 rạn san hô có khả năng sống sót tốt nhất qua cuộc khủng hoảng khí hậu và góp phần phục hồi rạn san hô ở những nơi khác.
Họ chọn lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT), một khung mẫu toán học do nhà kinh tế học Harry Markowitz phát triển vào những năm 1950 để giúp các nhà đầu tư e ngại rủi ro tối đa hóa lợi nhuận. GS. Ove Hoegh-Guldberg, một nhà khoa học khí hậu tại ĐH Queensland, người dẫn dắt dự án “50 rạn san hô”, cho biết: “Về cơ bản, chiến lược này giúp chúng ta đưa ra quyết định về những gì cần bảo vệ, nếu chúng ta muốn những rạn san hô vẫn còn tồn tại đến cuối thế kỷ này”.
Các rạn san hô phải đối mặt với một tương lai thảm khốc. Ngay cả khi việc cắt giảm phát thải mạnh mẽ đảm bảo mức nóng lên toàn cầu giới hạn ở mức 1,5oC so với mức tiền công nghiệp – yêu cầu giảm gần một nửa lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2010 thì 70-90% san hô ngày nay vẫn sẽ biến mất. “Trên khắp hành tinh này có hàng trăm rạn san hô. Chúng ta sẽ chọn cái nào để tập trung vào nó?”, Hoegh-Guldberg đặt vấn đề.
Chiến lược được đưa ra trong cuộc họp giữa các nhà khoa học tại Viện Sinh học biển Hawaii vào năm 2017, đã khai thác lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại để giúp các nhà khoa học lựa chọn các rạn san hô “cân bằng”. Hoegh-Guldberg giải thích: “Lý thuyết này là khung mẫu nhằm giảm thiểu rủi ro trong khi tối đa hóa lợi nhuận. Nó coi việc bảo tồn giống như một cơ hội đầu tư”.
TS. Hawthorne Beyer ở ĐH Queensland chuyên nghiên cứu sử dụng mô hình định lượng trong quản lý hệ thống môi trường, nhận xét: “Đó là một ý tưởng rất hợp lý và thiết thực. Chúng tôi là những người đầu tiên áp dụng nó trên quy mô toàn cầu”.
Các nhà khoa học đã chia các rạn san hô trên thế giới thành “đơn vị sinh khí hậu” (bioclimatic – BCU) có diện tích 500 km2 (190 dặm vuông). Họ đã sử dụng 174 chỉ số, chia thành năm loại cho mỗi đơn vị, bao gồm lịch sử nhiệt độ và dự báo, axit hóa đại dương, các loài xâm lấn, hoạt động của xoáy thuận và sự kết nối với các rạn san hô khác. Sau đó, họ áp dụng quy trình phân tích vô hướng (scalarisation – phương pháp chuyển đổi bài toán ban đầu nhiều mục tiêu thành bài toán tối ưu hóa một mục tiêu) để đưa ra các ước tính cho mỗi BCU. Điều này giúp họ nắm bắt được phạm vi rộng nhất của các khả năng trong tương lai.
Sau đó, họ sử dụng MPT để định lượng các mối đe dọa và xác định các rạn san hô và đưa ra các lựa chọn tốt nhất cho việc bảo tồn, trong khi tính bất định của các rủi ro trong tương lai do biến đổi khí hậu ở mức cho phép.
Dự án đã xác định các rạn san hô trên khắp Trung Đông, phía bắc và phía đông châu Phi, Australia, Caribbean, các đảo Thái Bình Dương, Nam Mỹ, Đông Nam và Nam Á. Chúng bao gồm các phần của rạn san hô Great Barrier ở Úc, Ai Cập và phía nam Biển Đỏ các phần của “tam giác san hô” xung quanh Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea và Philippines. Tuy nhiên, dựa trên các tiêu chí về khí hậu và sự kết nối, mô hình đã loại trừ một số khu vực quan trọng về mặt sinh thái, chẳng hạn như Hawaii và Rạn san hô Trung Mỹ.
Dự án đã nhận được gần 93 triệu USD tài trợ từ sáng kiến Vibrant Oceans của Bloomberg Philanthropies và các tổ chức khác. Báo cáo cho thấy cách tiếp cận lấy cảm hứng từ dự án đã giúp ít nhất 26 tổ chức và 8 nhà tài trợ hiện đã ưu tiên cho 60 hệ sinh thái rạn san hô trên hơn 40 quốc gia.