Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực thủy sản đã xây dựng một khung ra quyết định mới có thể giúp ngành ngư nghiệp tăng cường khả năng thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một khung đánh giá có thể áp dụng vào bất kỳ ngành nghề nào trong lĩnh vực ngư nghiệp, bất chấp điểm mạnh và điểm yếu trong từng trường hợp cụ thể”, nhà sinh thái học biển Jacob Eurich tại Trung tâm Quốc gia về Phân tích & Tổng hợp Sinh thái (NCEAS) thuộc Đại học California, Santa Barbara, cho biết. “Chúng ta có thể dự đoán các kịch bản trong tương lai bằng các kỹ thuật mô hình khác nhau để xem xét ngành nghề nào trong lĩnh vực ngư nghiệp có thể hứng chịu những tác động tiêu cực trong thập kỷ tới”. Ông cùng với Jacqueline Lau tại ĐH James Cook và Julia Mason tại Trung tâm Bền vững Cornell Atkinson đã công bố kết quả này trên tạp chí Fish and Fisheries.
Trong bối cảnh dân số toàn cầu tiếp tục tăng lên, ngành ngư nghiệp đảm trách “sứ mệnh” đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày một tăng cho thế giới. Đây cũng là một trong những hệ thống lương thực đầu tiên chịu tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển ấm lên và đại dương bị axit hóa.
“Ví dụ, ở California từ năm 2014 đến 2016 đã xảy ra một đợt nắng nóng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nền ngư nghiệp địa phương”, Eurich kể về một đợt nắng nóng trên biển và tảo nở hoa đã ảnh hưởng đến những ngành nghề thủy sản gần và dọc theo bờ biển, từ hoạt động kinh doanh thương mại cua đá đỏ, trai móng tay cho đến cua Dungeness.
Những hành động mà ngành đánh bắt thủy sản ven biển California cần thực hiện nhằm ứng phó với các tác động từ môi trường có thể khác với những gì mà ngư trường cá tuyết ở Bắc Đại Tây Dương thực hiện, hoặc những gì mà ngành công nghiệp đánh bắt cá ngừ của quần đảo Thái Bình Dương triển khai.
Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và xem xét dữ liệu về khả năng phục hồi của nền ngư nghiệp trên ba khía cạnh.
“Đầu tiên là hệ thống sinh thái – những gì đang diễn ra dưới nước, với quần thể cá”, Eurich giải thích. “Khía cạnh thứ hai là quản trị – nền ngư nghiệp thực sự được quản lý như thế nào? Và thứ ba – thường ít được chú ý nhất là khía cạnh kinh tế – xã hội, đặc biệt là khía cạnh xã hội, hay có thể hiểu là giá trị nội tại, sự liên quan mật thiết giữa chúng ta với ngành nghề này. Thông thường chúng ta hay tập trung vào lợi ích kinh tế, cấu trúc dân số và động lực của các loài, nhưng chúng tôi thực sự đang cố gắng làm nổi bật chiều kích con người ở đây.”
Việc đánh giá nền ngư nghiệp theo cách này sẽ không chỉ làm nổi bật những thế mạnh cụ thể của nó mà còn làm sáng tỏ thêm những rủi ro và điểm yếu tiềm ẩn có thể nảy sinh do biến đổi khí hậu. Ví dụ, theo bài báo, ngành công nghiệp đánh bắt thương mại cua California Dungeness rất phát triển do năng suất cao và kích thước quần thể lớn. Những đặc tính này đã dẫn đến tình trạng chủ quan trong giám sát quản lý và mức độ nhận thức rủi ro thấp, khiến nghề cá “không có sự chuẩn bị và phản ứng chậm” trước hiện tượng tảo nở hoa liên quan đến đợt nắng nóng biển 2014-2016. Kết quả là ngành đánh bắt bị thiệt hại kinh tế đáng kể.
Khung đánh giá này cũng cho phép các nhà quản lý học hỏi từ các ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản khác để chuẩn bị tốt hơn và ứng phó với những thất bại tiềm ẩn mà không cần phải tốn công tốn sức cải tổ mọi thứ.
Ở Nam Thái Bình Dương, nơi các cộng đồng đã và đang cảm thấy gánh nặng của các tác động do biến đổi khí hậu gây ra, các nhà khoa học “đang cố gắng tiếp thu bài học từ những nơi như Kiribati hoặc Fiji và triển khai chúng ở những khu vực khác để chứng minh rằng quản lý khả năng thích ứng, tư duy bình đẳng và hòa nhập hoặc một hệ thống minh bạch hơn giữa con người và môi trường thực sự giúp tăng cường khả năng phục hồi của ngành”, ông nói.