Khai thác biển sâu gây ô nhiễm tiếng ồn đại dương

Các hoạt động khai thác dưới đáy biển sâu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đại dương, gây ảnh hưởng sâu rộng tới các loài sinh vật và môi trường biển.

Dựa trên các nghiên cứu trước đây kết hợp phỏng vấn chuyên gia và khảo sát các bên liên quan, Báo cáo do Cyrill Martin, chuyên gia chính sách tổ chức OceanCare, Canada cùng đồng nghiệp thực hiện khẳng định hoạt động khai thác dưới biển sâu có thể tác động đến các loài sinh vật sống từ bề mặt đến đáy biển, trong đó các loài sống ở biển sâu đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng sử dụng âm thanh tự nhiên để thực hiện các chức năng như phát hiện thức ăn và không quen với tiếng ồn nhân tạo ở cự ly gần. Nhiều loài sống ở biển sâu là loài không cuống nên không thể tránh được tiếng ồn do hoạt động khai thác tại khu vực này. Ngay với các loài di cư như cá voi, cá heo, rùa cũng có thể bị ảnh hưởng dù chúng chỉ đi qua khu vực khai thác để kiếm ăn hoặc sinh sản.

Riêng với cá heo, theo Lindy Weilgart, chuyên gia ô nhiễm tiếng ồn Đại học Dalhousie, Canada, cá heo tiếp nhận âm thanh qua hàm dưới nên bị tác động rất rõ bởi tiếng ồn nhân tạo, tựa như toàn thân chúng bị ngập chìm trong âm thanh vậy. Phản ứng chung của các loài cá voi, cá heo khi bị tiếng ồn nhân tạo tác động có thể là ngừng kiếm ăn và giao tiếp hoặc trở nên mất phương hướng và mắc cạn vào bờ, như trường hợp xảy ra với bầy cá voi đầu dừa (Peponocephala electra) tại Madagascar năm 2008. Ngoài ra, tiếng ồn cũng có thể gây tổn thương tai cá Chrysophrys auratus, làm giảm chất lượng ấu trùng cá tuyết (Gadus morhua) và làm suy yếu các loài thực vật thủy sinh như cỏ biển. Đặc biệt, tiếng súng hơi dưới nước gây ra cái chết trên diện rộng ở các loài nhuyễn thể và sinh vật phù du.

Loài Pentometrocrinus sp. dưới đáy đại dương đang bơi theo cột nước (Ảnh: Văn phòng Nghiên cứu và Khám phá Đại dương, NOAA)

Mặc dù có nhiều bằng chứng chứng minh tác động nghiệm trọng của tiếng ồn nhân tạo tới đại dương, tuy nhiên những biện pháp giảm thiểu còn rất hạn chế, đặc biệt là hoạt động khai thác dưới đáy biển vốn gây nhiều tranh cãi bởi một khi được cấp phép, các tập đoàn sẽ khai thác hàng loạt các kim loại như đồng, coban, niken và mangan, gây ra rất nhiều tiếng ồn. Điều đáng nói là ô nhiễm tiếng ồn chỉ là một trong những mối lo điển hình trong hoạt động khai thác đáy biển và cần nghiên cứu sâu hơn để đánh giá toàn bộ tác động cộng hưởng.

Cũng theo nghiên cứu, bề mặt đại dương có thể bị ô nhiễm bởi tiếng ồn từ cánh quạt của thuyền, máy móc trên tàu, kỹ thuật sonar (sử dụng sự lan truyền âm thanh, chủ yếu dưới nước) hoặc máy bay không người lái dưới nước. Ngoài ra, một số hình thức khai thác đáy biển cũng liên quan đến  khoan, nạo vét, gây ra sự cộng hưởng tiếng ồn. Nói cách khác, tiếng ồn sẽ ảnh hưởng tới đời sống đại dương từ bề mặt xuyên suốt các cột nước đi xuống tới đáy biển theo cả phương di chuyển ngang và dọc của âm thanh. Đặc biệt, tiếng ồn dưới biển có thể truyền rất xa, lớn hơn nhiều so với trên cạn. Năm 2007, một nghiên cứu thử đặt đầu thu sóng xuống độ sâu 11 km tại rãnh Mariana, rãnh đại dương sâu nhất thế giới, kết quả là thiết bị này vẫn thu được tiếng ồn từ các tàu trên bề mặt cùng các âm thanh tự nhiên như sóng, gió và tiếng cá voi.

Các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn tiềm ẩn từ hoạt động khai thác biển sâu. (Ảnh: OceanCare)

Ngoài ô nhiễm tiếng ồn, nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng hoạt động khai thác khoáng sản biển sâu còn phá hủy môi trường sống và sinh vật biển với các luồng trầm tích, ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm ánh sáng, không chỉ ở các vùng lân cận mà còn có khả năng gây hại cho các loài di cư và các ngư trường trọng điểm. Một khi sinh vật biển phải đối mặt với nhiều tác nhân gây căng thẳng cùng lúc, hệ lụy có thể được phóng đại hơn nhiều so với các tác nhân riêng lẻ.

Trái ngược với cảnh báo từ các nhà khoa học, những người ủng hộ khai thác biển sâu cho rằng hoạt động này mang lại lợi ích lớn hơn nguy cơ, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia nỗ lực giảm khí thải carbon bằng cách sản xuất  các loại xe điện mà pin của chúng sử dụng nhiều loại khoáng sản như lithium, mangan, niken và coban – vốn không dễ tiếp cận thông qua các nguồn trên cạn. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cho rằng khai thác khoáng sản biển sâu gây ra nhiều hệ lụy lâu dài chưa được làm rõ, vì vậy cần tập trung cải tiến hoạt động khai thác trên đất liền cũng như tăng cường tái chế pin.

Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA), đơn vị chịu trách nhiệm điều chỉnh hoạt động khai thác biển sâu hiện tuy có đưa ra một vài khuyến nghị về việc đo tiếng ồn từ hoạt động khai thác để phục vụ đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, theo Martin, những khuyến nghị này không phù hợp vì không yêu cầu các công ty tiết lộ tần số tạo ra tiếng ồn cũng như hoàn thành các cuộc điều tra về những loài có thể bị ảnh hưởng. Nói cách khác là ISA không có đủ hướng dẫn để những người làm việc trong lĩnh vực khai thác biển sâu thực sự biết họ cần làm gì, nhất là khi những khuyến nghị nửa vời vốn không có tính ràng buộc, Martin nhấn mạnh.

Cá thể cá mập tại vùng nước sâu đang di chuyển vào khu vực nguy hiểm (Ảnh: Văn phòng Nghiên cứu và Khám phá Đại dương, NOAA)

Điều đáng ngại hơn cả là hoạt động khai thác biển sâu dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng ISA đã cấp 30 giấy phép thăm dò khoáng sản. Những dải đại dương khổng lồ dọc vùng biển Clarion Clipperton (CCZ) của Thái Bình Dương đã được chia cho nhiều công ty cùng các đơn vị con để khai thác, chẳng hạn công ty NORI thuộc tập đoàn The Metals, trụ sở tại Canada, đã lập kế hoạch khai thác các nốt đa kim (nốt mangan) tại CCZ. The Metals thừa nhận hoạt động sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn nhưng “dự kiến không tạo ra tiếng ồn lớn, nguy hiểm”. Tuy nhiên,  Martin cho rằng đơn vị này đang đánh giá thấp các tác động tiềm ẩn của ô nhiễm tiếng ồn đối với môi trường biển.

Minh Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: