Mặc dù chi phí cho vấn đề lưu trữ đã giảm mạnh trong 10 năm qua nhưng việc triển khai tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ. Để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt thì giải pháp tích trữ năng lượng được quan tâm hơn cả.
Kỳ vọng giải pháp lưu trữ năng lượng
Tại Hội thảo giải pháp lưu trữ năng lượng và ứng dụng cho các dự án tại Việt Nam do Trung tâm Phát triến Sáng tạo xanh GreenID tổ chức, đại diện Công ty CP tư vấn xây dựng điện 5 (PECC5) cho biết, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thủy điện, nhiệt điện (70% về công suất và khoảng 90% sản lượng).
Tỉ lệ công suất lắp đặt năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời ở mức cao, khoảng 27%. Song, tỉ trọng sản lượng tối đa còn thấp, khoảng 9,6%. Chính vì vậy, giải pháp lưu trữ năng lượng được kỳ vọng sẽ là ngành tăng trưởng mạnh trong tương lai và có nhiều tiềm năng mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Lượng – Phó Tổng Giám đốc PECC5 cho hay, trong những năm qua, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo gặp phải vấn đề cắt giảm công suất và vấn đề lưu trữ năng lượng đã được tính đến.
Có 3 phương án lưu trữ, phổ biến nhất gồm: Lưu trữ quay/tụ điện (đáp ứng khoảng thời gian ngắn), lưu trữ điện hóa Batteries với thời gian lưu trữ trung bình từ vài giờ với dung lượng không quá lớn; lưu trữ thủy điện tích năng có thời gian lưu trữ dài hơn lên đến hàng tháng, hàng năm và khả năng lưu trữ đến vài GW.
“Khi sử dụng lưu trữ điện năng sẽ tác động tích cực lên hệ thống điện, giúp vận hành ổn định hơn, đảm bảo không thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt”, ông Lượng nói.
Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triến Sáng tạo xanh GreenID dự báo, giá của pin lưu trữ năng lượng sẽ tiếp tục giảm khoảng hơn 80% vào 2030 so với mốc thời điểm năm 2020. Giá pin lưu trữ ở các dự án năng lượng tái tạo như Australia, Pháp… khoảng 70 USD/kWh.
Trên thực tế, có 2 giải pháp để hạn chế việc cắt giảm năng lượng tái tạo thời gian qua. Đó là đầu tư đường dây truyền tải mới, nhưng việc này sẽ mất nhiều thời gian và chi phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tiếp đến là đầu tư hệ thống lưu trữ; trong đó, phổ biến nhất hiện nay là lưu trữ bằng pin và thủy điện tích năng.
Ông Trần Viết Thành – Phòng Nghiên cứu phát triển và quản lý chất lượng – Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 (PECC4) nhận định: “Việc phát triển bùng nổ, nhanh chóng của các dự án năng lượng tái tạo và tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải công suất.
Do đó, thị trường đầu tư pin lưu trữ tại các khu vực có nhiều nhà máy năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn. Hệ thống lưu trữ pin giúp giảm áp lực truyền tải cho lưới điện, tăng khả năng ổn định hệ thống điện và giảm thiểu công suất cắt giảm cho các nhà máy năng lượng tái tạo”.
Cần sớm có cơ chế thúc đẩy thị trường pin tích trữ năng lượng
Để hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050 như cam kết của lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị COP 26, theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm có cơ chế để thúc đẩy thị trường pin tích trữ năng lượng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Lượng cho hay, tại Việt Nam, quy hoạch tổng công suất thủy điện vào khoảng 2.400 MW; trong đó, thủy điện tích năng Bắc Ái do EVN thực hiện là 1.200 MW. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế cụ thể cho loại hình thủy điện này như: cơ chế mua – bán điện, cơ chế vay vốn…
“Với hệ thống lưu trữ như pin, quy mô lắp đặt tối ưu cho hệ thống như thế nào và khu vực nào cần thiết lắp đặt?. Việc phối hợp với đầu tư nguồn và lưới điện trong thời gian tới sẽ ra sao?. Đây là bài toán tối ưu chi phí hệ thống điện và hiệu quả đầu tư. Tất cả vấn đề này cần có sự nghiên cứu, tính toán trong quy hoạch tổng thể và hiện trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 chúng ta vẫn chưa có”, ông Nguyễn Văn Lượng cho hay.
Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các dự án thí điểm tại các khu vực có nguồn năng lượng tái tạo cao và hệ thống điện đang quá tải; đưa vào Quy hoạch Điện 8 quy mô đầu tư hệ thống lưu trữ phù hợp với kịch bản phát triển nguồn và lưới điện.
Đồng thời, có cơ chế và chính sách để phát triển lưu trữ đồng bộ với cơ chế phát triển năng lượng tái tạo như: quy định cơ chế ưu đãi về giá mua bán, giá nạp điện, ưu tiên huy động, chính sách ưu đãi hoặc hỗ trợ vốn…