Các tỉnh Nam Trung bộ vừa trải qua một đợt lũ lụt đáng sợ, không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người dân.
Các tỉnh Nam Trung bộ vừa trải qua một đợt lũ lụt đáng sợ, không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã yêu cầu một hội nghị trong tháng 12/2021 để đánh giá công tác phối hợp xả lũ giữa các địa phương.
Những ngày đầu tháng 12, nhiều khu vực của 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đã chìm trong biển nước. Mưa lớn liên tục là một nguyên nhân, nhưng còn một nguyên nhân nữa là các thủy điện đầu nguồn sông Ba đã xả lũ thiếu cân nhắc cần thiết. Lũ chồng lũ, thiên tai kèm nhân họa, nên hàng nghìn hecta hoa màu và hàng vạn gia súc đã bị mất trắng. Nông dân đang khốn đốn vì đại dịch Covid-19 lại càng thêm lao đao.
Nước tràn xuống đồng bằng như thác đổ, vì thủy điện sông Ba Hạ, thủy điện Sông Hinh, thủy điện Đăk Srông và thủy điện sông Krông H’năng đồng loạt ồ ạt xả tràn với lưu lượng khủng khiếp, có thời điểm lên đến 9.000m3/s. Dư luận không khỏi băn khoăn về dự báo thiên tai và năng lực vận hành, điều tiết lũ của thủy điện đầu nguồn, gây khó khăn trong hoạt động ứng phó.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ biện hộ rằng, do hồ quá nhỏ, trong khi các hồ phía trên xả xuống kèm theo mưa lớn bất thường nên buộc họ phải xả lũ, nếu không sẽ vỡ hồ thì cực kỳ nguy hiểm cho vùng hạ du.
Còn Ban Quản lý thủy điện Đắk Srông khẳng định là nhà máy chỉ có trách nhiệm báo cho chính quyền tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và các nhà máy thủy điện bên dưới, chứ không có trách nhiệm báo với chính quyền địa phương phía đồng bằng ven biển. Đó là những lời giải thích rất nhẹ nhàng, nhưng hậu quả đã phơi bày rất ê chề.
Theo quy định, các nhà máy thủy điện phải thực hiện đúng theo quy trình, khi xả phải thông báo cho hạ du, thời hạn là trước 6 tiếng. Điều kiện bắt buộc là khi lũ về, các hồ trong lưu vực bắt buộc phải xả nhưng vẫn phải thực hiện theo quy trình. Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đang kiểm tra các chủ hồ khi xả lũ đã thực hiện thông báo như thế nào. Đồng thời, cũng kiểm tra xem khu vực nào bị ách tắc dòng chảy, vì theo thiết kế của sông Ba có thể xả lũ đến 25.000 m3/giây nhưng vừa rồi mới xả ở mức độ thấp đã ngập lụt.
Xả lũ không phải chuyện cũ, mà luôn đe dọa tài sản và tính mạng của người dân. Thiên tai thì khó lường, nhưng nhân họa vẫn khó lường chăng? Đã đến lúc phải rà soát những bất cập để đưa vào quy hoạch phòng chống lũ. Không thể tái diễn thực trạng cứ mưa lớn thì hồ thủy điện thi nhau xả lũ, bất chấp mọi hệ lụy.
Đừng để chương trình “Gặp nhau cuối năm” lại nghe Táo Quân hát nghêu ngao: “Cấp báo, hồ thủy điện xả nước đấy. Mọi người liệu hồn bơi nhanh. Ai không biết bơi, chết trôi rồi đời. Nhìn nước lũ cuốn bao nhà tang hoang, cuốn hết mùa màng, cuốn hết lợn gà. Ai không kịp bơi thì trôi luôn. Nước lũ, nước lũ về, cho nhân dân thêm điều kiện gắng sức rèn luyện nâng cao thể lực”.