Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta!
Sau khoảng thời gian tạm lắng do giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, gần đây, giao dịch đất đai “nóng” trở lại, nhiều địa phương tiếp tục tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Hình ảnh hàng trăm ô tô đỗ kín quảng trường tại một địa phương trong buổi đấu giá cách đây ít ngày khiến nhiều người cảm thấy… choáng. Kết thúc buổi đấu giá, các lô đất đều được “chốt” với giá hàng tỷ đồng và tiếp tục tăng sau mỗi lần giao dịch sang tay…
Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng đối với mọi quốc gia. Những năm qua, khi nhu cầu về đất ở của người dân tăng cao, nhiều địa phương đã chủ động lập quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất…
Từ đó, nhiều khu dân cư, khu đô thị mới hình thành, tạo diện mạo văn minh, hiện đại, giúp người dân giải quyết vấn đề nhà ở. Cũng vì thế, trong cơ cấu nguồn thu ngân sách của không ít địa phương, thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng khá lớn, tạo nguồn lực đầu tư phát triển…
Như tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên mấy năm gần đây, nhờ nguồn vốn từ bán đấu giá quyền sử dụng đất mà hệ thống đường giao thông ở địa phương được đầu tư, thay đổi tích cực, nhiều trường học, trạm y tế xã được xây mới…
Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực thì việc giá đất tăng cao hay nguồn thu từ đất đai chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách lại là vấn đề đáng lo ngại. Theo các chuyên gia kinh tế, giá đất tăng cao khiến các địa phương gặp khó khăn khi thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, thu từ đất đai không phải là khoản thu bền vững, bởi đây là khoản thu một lần và khi quỹ đất giảm dần thì nguồn thu cũng sẽ giảm.
Thực tế những năm qua cho thấy, có những địa phương quá chú trọng việc “phân lô, bán nền” để tạo nguồn thu, dẫn đến mất cân đối trong nguồn thu ngân sách, quỹ đất cạn kiệt, đặt ra bài toán nan giải cho lãnh đạo các khóa sau cũng như thế hệ tương lai.
Để có nguồn thu ngân sách bền vững, giảm phụ thuộc vào các khoản thu từ đất đai, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, các địa phương phải tích cực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có những chính sách phù hợp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp…
Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc quy hoạch, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, đúng như phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV ngày 29-10 vừa qua: Nước ta “tam sơn, tứ hải, nhất đẳng điền”.
Diện tích chỉ hơn 300.000km2 nhưng dân số gần 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Chính vì vậy, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta!