Khi hổ, báo bị thủy điện “lấn” nhà

Một nghiên cứu mới cho thấy hơn 1/5 số hổ và 1/200 số báo đốm trên toàn cầu bị ảnh hưởng do mất môi trường sống liên quan đến các dự án thủy điện.

Việc mở rộng nhanh chóng các thủy điện trên khắp các cảnh quan nhiệt đới đã gây ra sự mất mát và suy thoái đa dạng sinh học trên diện rộng, tuy nhiên, tác động bao trùm của các dự án đối với các quần thể sinh vật trên cạn hiếm khi được xem xét. Luke Gibson, nhà sinh vật học nhiệt đới tại Đại học khoa học và công nghệ miền Nam, Trung Quốc và đồng nghiệp Ana Filipa Palmeirim đã lấp đầy khoảng trống này bằng cách xác định mức độ mất môi trường sống của hai loài biểu tượng là hổ (Panthera tigris) và báo đốm (Panthera onca) khi bị các hồ thủy điện “lấn” nhà. Hai tác giả đã sử dụng dữ liệu được công bố về mật độ dân số và sự phân bố toàn cầu của hai loài để tính toán diện tích môi trường sống bị mất cũng như số lượng cá thể bị ảnh hưởng bởi các hồ thủy điện hiện có cũng như đang được quy hoạch. Kết quả cho thấy 13.750 km2 diện tích cư trú của hổ và 25.397 km2 môi trường sống của báo đốm đã bị ngập bởi các hồ chứa thủy điện. Tổng cộng 729 cá thể hổ, tương đương 20% ​​số lượng hổ toàn cầu đã buộc phải di dời bởi các con đập trong khi 915 cá thể báo đốm, tương đương 0,5% số lượng báo toàn cầu bị ảnh hưởng.

Cá thể báo đốm ở quần đảo Pantanal, Brazil – sinh cảnh đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất trên thế giới. Ảnh: Steve Winter / National Geographic

Phát hiện này là một tin xấu đối với những cá thể mèo lớn vốn đang đối mặt với nhiều mối đe dọa. Cả hai loài đều đang bị suy giảm dân số do mất môi trường sống, săn trộm, thay đổi mô hình săn mồi và tác động của biến đổi khí hậu. Hiện báo đốm bị xếp vào danh sách gần bị đe dọa bởi IUCN với khoảng 173.000 cá thể còn lại, trong đó gần một nửa đang cư trú tại Brazil. Những cá thể hổ phải đối mặt với một tương lai bấp bênh hơn khi 93% quần thể đã biến mất trong vòng thế kỷ qua với các quần thể ở Campuchia, Lào và Việt Nam đã tuyên bố tuyệt chủng cục bộ trong những năm gần đây. Ước tính hiện chỉ còn 3.200 cá thể hổ hoang dã.

Những kẻ săn mồi hàng đầu này đặc biệt dễ bị tổn thương khi mất môi trường sống vì chúng cần không gian rộng để tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, tác động của các dự án thủy điện không chỉ giới hạn ở dấu vết của các hồ chứa mà việc mở các con đường tiếp cận, tuyến đường xây dựng và đường dây truyền tải cũng làm chia cắt và suy giảm môi trường sống của hai loài. Càng đáng lo hơn khi các đề xuất thủy điện trong tương lai chỉ ra rằng số lượng đập được quy hoạch trong môi trường sống của báo đốm cao gấp 10 lần so với môi trường sống của hổ. Hơn 300 trong số các dự án thủy điện trong tương lai này nằm ở Brazil, và chỉ riêng kế hoạch của Brazil đã có thể tăng gần gấp đôi số lượng báo đốm bị ảnh hưởng bởi các dự án đập.

Đập Balbina đã làm ngập 3.129 km2 rừng mưa nhiệt đới ở Amazon, Brazil. Hồ thủy điện này nằm trong vùng phân bố của báo đốm. Ảnh: E. M. Venticinque

Tại châu Á, tuy số lượng đập được lên kế hoạch ít hơn nhưng các đề xuất xây dựng thủy điện trong khu vực cũng không tính đến sự tồn tại lâu dài của loài hổ. Hầu hết các con đập được quy hoạch đều chồng lấn lên các cảnh quan hổ cư trú bao gồm các khu bảo tồn và khu rừng phức hợp ở Bhutan, Nepal và hệ sinh thái Leuser ở Sumatra, Indonesia. Nghiên cứu cho rằng các dự án tương lai này có khả năng làm “trật bánh” Tuyên bố St.Petersburg về bảo tồn hổ năm 2010, trong đó các bộ trưởng từ 13 quốc gia còn quần thể hổ hoang dã vào thời điểm đó đã cam kết thực hiện mọi biện pháp nhằm nhân đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022.

Gibson cho rằng việc xây dựng quá nhiều đập có thể dẫn đến những hệ lụy tệ hơn, chẳng hạn tại Brazil, quốc gia sản xuất khoảng 70% điện năng từ thủy điện, một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hạn hán trong tương lai ở khu vực này sẽ làm giảm sản lượng điện từ các đập hiện có. Việc xây mới thủy điện khó có thể dừng lại nhưng nên cố gắng giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách tránh những khu vực địa hình bằng phẳng có thể gây mất môi trường sống trên diện rộng cũng như các cảnh quan bảo tồn ưu tiên cho các loài đặc biệt quan trọng.

Huyền Trang (Theo Mongabay)

Nguồn: