Sáng kiến đổi rác thải nhựa lấy gạo vốn bắt đầu ở Tabanan (Bali, Indonesia) hiện đã được nhân rộng và triển khai tại 200 ngôi làng trên khắp Bali.
Tại Tabanan, ông Janur Yasa, người sáng lập Plastic Exchange đã kêu gọi người dân thu gom rác thải nhựa vào năm ngoái và họ đã thu được 500kg ống hút, túi nhựa, chai nhựa đã qua sử dụng và nhiều phế phẩm khác sau 5 ngày. Với số lượng này, ông đổi lấy bằng 500kg gạo cho người dân.
Plastic Exchange là một phong trào được triển khai ở Bali, nhằm trao quyền cho cộng đồng nơi đây thu thập phế phẩm nhựa và đổi gạo miễn phí. Janur Yasa, ông bố 3 con, 55 tuổi này bắt đầu sáng kiến đổi rác thải nhựa lấy gạo khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn công việc kinh doanh. Tính đến đầu tháng 12 này, ông Yasa đã thu gom thành công khoảng 50 tấn rác thải nhựa, đồng thời giúp mọi người có nhiều lương thực, thực phẩm hơn.
Là chủ một nhà hàng thuần chay ở Ubud, trung tâm văn hóa của Bali, ông Yasa giống như nhiều người khác trên đảo, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh do đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã khiến nhà hàng của ông phải đóng cửa; ông đã tự đặt câu hỏi rằng, phải làm gì thay thế. Sáng kiến đổi phế phẩm nhựa lấy gạo xuất phát từ thời điểm đó.
Cụ thể, tháng 5/2020, ông Yasa đã phát động phong trào Plastic Exchange tại quê hương mình, ở Tabanna để tặng mỗi người 1kg gạo khi đổi lấy 1kg phế phẩm nhựa. Theo ông Yasa, đây từng là một sáng kiến truyền miệng, nhưng hiện nay đã có các nhóm tuyên truyền trên Whatsapp nên mọi người có thể truyền bá thông tin trên các hội nhóm của mình.
Plastic Exchange không phải là nghĩa vụ. Nếu người dân muốn có gạo, họ có thể thu gom rác thải nhựa. Sự đổi lại của một món quà tích cực là cách Plastic Exchange khuyến khích mọi người dọn dẹp và thu gom rác thải.
Nhờ sáng kiến trên, ông Yasa được đề cử là “Anh hùng của năm” do Kênh CNN (Mỹ) bình chọn. Kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng 12 này. Đề cử đã giúp sáng kiến Plastic Exchange thu hút thêm nhiều nhà tài trợ mới và hiện khoảng 2/3 số nhà tài trợ của chương trình đến từ châu Âu, Canada và Australia.
Ông Yasa chia sẻ, mục tiêu tiếp theo của ông là cải tiến nhựa ở Bali thành gạch và sử dụng chúng để xây nhà cho các hộ gia đình khó khăn, đồng thời nhân rộng sáng kiến đến các vùng khác của Indonesia.