Trong khoảng thời gian tạm vắng bóng khách du lịch, quần đảo Phi Phi dần lấy lại được vẻ đẹp vốn có đồng thời định hướng phát triển mô hình du lịch bền vững.
Gần một hòn đảo san hô nhỏ, cách vịnh Maya vài km, nhà sinh vật học biển Kullawit Limchularat lặn sâu 8 m qua làn nước trong vắt, cẩn thận thả một con cá mập tre.
Nhiệm vụ của anh là khôi phục sự đa dạng sinh học ở khu vực này sau nhiều năm bị tàn phá bởi hoạt động du lịch mất kiểm soát. Cuộc khủng hoảng tồi tệ đến mức khiến các nhà chức trách buộc phải đóng cửa vịnh Maya vào năm 2018, theo AFP.
Năm con cá mập tre dải nâu nhỏ được thả vào làn nước, song do được nuôi nhốt quá lâu, chúng ngại ngần, chưa tiến đến khu vực đám cá hề, cá nhồng, rùa trước mặt.
“Chúng cần thời gian để làm quen. Chúng tôi đã đợi đến khi chúng đạt đủ chiều dài 30 cm để tối đa hóa cơ hội sống sót của chúng. Mục đích là khi trưởng thành, chúng sẽ ở lại đây, sinh sản và giúp phục hồi quần thể các loài”, Kullawit, làm việc trong dự án với Trung tâm Sinh vật biển Phuket, cho biết.
Ảnh hưởng
Trước đại dịch, Vườn quốc gia Phi Phi với những bãi cát trắng và rạn san hô từng thu hút hơn 2 triệu du khách mỗi năm. Trong đó, vịnh Maya với vẻ đẹp nổi tiếng, từng xuất hiện trong The Beach – bộ phim năm 2000 có sự góp mặt của tài tử Leonardo DiCaprio, ghi nhận tới 6.000 du khách mỗi ngày đến bãi biển nhỏ hẹp, dài 250 m.
Như hệ quả tất yếu, dòng người nườm nượp kéo đến trên những chiếc thuyền máy ồn ào, ô nhiễm mất kiểm soát đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái của khu vực.
“Độ phủ của san hô đã giảm hơn 60% chỉ trong hơn 10 năm”, tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat thuộc Đại học Kasetsart ở Bangkok, cho biết. Từ năm 2018, ông đã lên tiếng cảnh báo và thúc giục các nhà chức trách đóng cửa một phần vịnh.
Sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến, số lượng du khách giảm xuống gần như bằng 0 khi Thái Lan áp dụng các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt, đưa toàn bộ quần đảo vào tình trạng “dưỡng bệnh”.
Kết quả, hàng chục con cá mập vây đen, rùa xanh và đồi mồi đã quay trở lại. Ngoài ra, cá mập voi, loài cá lớn nhất thế giới và được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, cũng được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển.
“Mọi thứ đang sinh sôi trở lại, đặc biệt là các loài cá mập vốn thích vùng nước yên tĩnh. Đối với san hô, hơn 40% tàn tích được trồng lại ở vịnh Maya đã sống sót, một con số khả quan nhờ việc vắng bóng du khách”, tiến sĩ Thon nói.
Tuy nhiên, ông cảnh báo sự phục hồi sẽ diễn ra rất chậm, cần ít nhất hai thập kỷ để khôi phục rạn san hô.
Phục hồi
Quần đảo Phi Phi đang dần khôi phục hoạt động du lịch, hiện vẫn chủ yếu đón du khách bản địa. Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài cũng đang bắt đầu quay trở lại khi Thái Lan nới lỏng các quy định phòng dịch và vịnh Maya sẽ tái mở cửa vào ngày 1/1/2022.
Chính phủ xứ Chùa Vàng cho biết muốn thay đổi phong cách làm du lịch ở quốc gia này. Theo Phiphat Ratchakitprakarn, Bộ trưởng Du lịch Thái Lan, trọng tâm sẽ là khách du lịch cao cấp thay vì nhắm đến số lượng lớn như trước đây.
Pramote Kaewnam, giám đốc vườn quốc gia Phi Phi, khẳng định những sai lầm trong quá khứ sẽ không lặp lại.
Các thuyền sẽ không còn được phép neo đậu gần bãi biển mà phải đưa khách khu lịch xuống một cầu tàu cách xa vịnh. Các chuyến tham quan cũng được giới hạn trong vòng 1 giờ, tối đa 300 khách/chuyến.
“Vịnh Maya từng mang lại tới 60.000 USD mỗi ngày, nhưng khoản thu nhập khổng lồ này không thể so với nguồn tài nguyên thiên nhiên đã mất”, ông Pramote nhận định.
Tại các địa điểm quan trọng khác của quần đảo, số lượng du khách cũng sẽ được điều chỉnh, thuyền neo đậu trên các rạn san hô hay khách du lịch cho cá ăn sẽ bị phạt 150 USD.
Một số du khách nước ngoài đầu tiên quay trở lại khu vực cảm thấy hào hứng với cách làm mới này.
“Chúng tôi không chỉ đến để vui chơi, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ. Sẽ thật tuyệt vời nếu hòn đảo cứ yên tĩnh như thế này”, Franck, du khách đến từ Paris, nói.
Các doanh nghiệp địa phương cũng phải đối mặt một số thách thức trong việc thích ứng với mô hình mới. Đối với một số người, sự thay đổi này là điều đáng hoan nghênh.
“Chúng ta cần nguồn thu từ du lịch, nhưng chúng ta cũng cần hướng dẫn họ trở thành các du khách tốt”, Sirithon Thamrongnawasawat, phó chủ tịch phụ trách bền vững và phát triển của Singha Estate, cho biết.
Singha Estate, sở hữu một khách sạn 200 phòng trên đảo, đã xây dựng một trung tâm biển dành riêng cho hệ sinh thái của quần đảo và tài trợ một số dự án, bao gồm tái trồng san hô và nuôi cá mập tre, cá hề.
Nhưng không phải tất cả 2.500 cư dân trên quần đảo đều nhiệt tình như vậy, nhiều người trong số họ sống nhờ vào du lịch và mong sớm thấy du khách quay trở lại.
Pailin Naowabutr đã lăn lộn tại vùng biển của quần đảo này trong 7 năm, đưa đón khách du lịch trên chiếc thuyền của mình.
“Trước đại dịch, tôi kiếm được 30 USD/ngày. Sau đó, tôi đã phải làm rất nhiều công việc lặt vặt với mức lương ít ỏi, chưa đến 10 USD. Du khách sẽ sớm trở lại thôi, mọi người đều muốn đến thăm Phi Phi”, anh nói.
Tuy nhiên, biến thể Omicron xuất hiện đã khiến một số quốc gia tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Điều này có thể hủy hoại hy vọng của Pailin song đồng thời cũng cho động vật hoang dã trên đảo thêm một chút thời gian để phục hồi.