Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động giữa lúc biến chủng Omicron đã lan tới ít nhất 57 quốc gia.
“Nếu các quốc gia chờ đợi cho đến khi bệnh viện của họ bắt đầu bị lấp kín thì đã quá muộn. Đừng chờ đợi. Hãy hành động ngay”, South China Morning Post dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 9/12.
Ông Tedros đã kêu gọi chính phủ các nước đưa ra và thực hiện các biện pháp ngăn chặn biến chủng mới một cách nghiêm ngặt.
Tại Nam Phi, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng nhanh chóng. “Tuy nhiên, Omicron được phát hiện khi mức độ lây truyền của Delta rất thấp, vì vậy nó có rất ít sự cạnh tranh”, tổng giám đốc WHO cho biết hôm 8/12.
Ông cũng bác bỏ các báo cáo ban đầu cho rằng chủng Omicron dẫn đến một đợt dịch Covid-19 ở Nam Phi nhẹ hơn, và nhận định còn quá sớm để nói chắc chắn điều này.
Phát biểu của ông Tedros được đưa ra sau khi người đứng đầu nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), thông báo kế hoạch giảm ít nhất một nửa sản lượng vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca do không có đơn đặt hàng mới từ chính phủ.
“Ban đầu, tôi sẽ giảm ít nhất 50% sản lượng, cho đến khi các đơn đặt hàng tăng trở lại ở Ấn Độ và trên thế giới”, ông Adar Poonawalla cho biết.
Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Adar Poonawalla cho hay việc chính phủ Ấn Độ không đặt bất kỳ đơn hàng mới nào là lý do khiến ông có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, ông cũng nói rằng các đơn đặt hàng từ Sáng kiến vaccine của Liên Hợp Quốc đến rất chậm.
Hiện SII đang sản xuất 250 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tháng với nhãn hiệu Covishield. Đây là loại vaccine chiếm gần 90% tổng số 1,3 tỷ liều vaccine đã tiêm tại Ấn Độ.
Đầu năm nay, SII đã được chọn là nhà cung cấp chính của Cơ chế COVAX, sáng kiến do Liên Hợp Quốc triển khai nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển trong bối cảnh diễn ra bất bình đẳng vaccine nghiêm trọng trên toàn thế giới.
SII ban đầu đã cung cấp hàng triệu liều vaccine cho thế giới, thông qua chương trình COVAX hoặc cung cấp trực tiếp cho các nước.
Tuy nhiên, khi Ấn Độ đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng vào đầu năm nay, chính phủ nước này đã ngừng xuất khẩu vaccine và mới chỉ cho phép hoạt động trở lại gần đây. Nhiều quốc gia nghèo hơn đã buộc phải tìm kiếm các nguồn cung khác để thay thế tạm thời.