Đây là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo dự thảo, điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là: Dự án, kế hoạch liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án;
Chủ trì liên kết và các bên liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm;
Tối thiểu 50% phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước phải được dùng để hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên quan trực tiếp đến bên liên kết.
Nội dung hỗ trợ từ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm: Chi phí tư vấn, xây dựng liên kết; đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…
Về mức hỗ trợ từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia: Hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí và không vượt quá 10 tỷ đồng thực hiện 1 dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ tối đa không quá 70% tổng chi phí và không vượt quá 8 tỷ đồng thực hiện 1 dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn.
Hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng chi phí và không vượt quá 5 tỷ đồng thực hiện 1 dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.