Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 2-12 cho biết, giá lương thực thế giới đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thông tin này một lần nữa làm dấy lên mối lo về sự bất ổn an ninh lương thực toàn cầu trong lúc đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp vì sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Tỷ lệ đói nghèo tại những khu vực khó khăn như châu Phi, Mỹ Latinh sẽ ngày càng gia tăng.
Theo hãng tin Reuters, chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 11-2021 đã tăng 3,1% so với tháng trước và cao hơn 23,2% so với mức của năm 2020. Giá lúa mì chạm mức cao nhất kể từ tháng 5-2011. Giá sữa cũng có mức tăng hằng tháng lớn nhất là 3,4%. Trong khi đó, giá đường toàn cầu tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu phân tích của nhiều tập đoàn kinh tế, nguyên nhân giá lương thực, thực phẩm tăng phi mã là do cuộc khủng hoảng năng lượng ở nhiều quốc gia đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp lên cao.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, giá lương thực tăng ảnh hưởng lớn đối với người dân tại các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, do chi cho lương thực chiếm phần lớn trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Theo báo cáo gần đây nhất của Liên hợp quốc, nạn đói vẫn đang hoành hành ở 43 quốc gia, vì các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã làm giảm mức dự trữ lương thực của những nước này. Afghanistan, Syria, Yemen, Ethiopia, Sudan là 5 quốc gia đang bị khủng hoảng lớn và cần được hỗ trợ nhất. Riêng Afghanistan, hơn 24 triệu người dân cần được viện trợ. Số người cần cứu trợ đã gia tăng đáng kể do những bất ổn về chính trị, khủng hoảng về kinh tế và sản lượng lương thực sụt giảm do đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 27 năm trở lại đây. Còn Ethiopia là quốc gia có tình trạng báo động nhất về nhu cầu cần hỗ trợ. Hiện có 26 triệu người cần được giúp đỡ và 9 triệu người phụ thuộc vào trợ cấp lương thực.
Cũng trong một báo cáo vừa được WB công bố, số người không có đủ lương thực tại khu vực Mỹ Latinh đã tăng từ 13,8 triệu người lên 59,7 triệu người. Nguyên nhân là vì đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường việc làm, khiến nhiều người lâm vào cảnh đói nghèo. Trước đại dịch, tỷ lệ người thiếu ăn tại khu vực này là 7%. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB nhận định, thách thức lớn đối với Mỹ Latinh trong những năm tới sẽ là tái thiết nền kinh tế trong bối cảnh các hạn chế tài khóa, đồng thời khuyến cáo chính phủ các quốc gia trong khu vực tăng cường đầu tư vào giáo dục đại học và cơ sở hạ tầng, cũng như đổi mới hệ thống năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Tác động của dịch Covid-19 đối với lĩnh vực nông nghiệp là rất rộng, gây ra tình cảnh thiếu ổn định ở cấp độ chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, trong đó có điểm nghẽn về thị trường lao động, cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến nông sản, vận tải và hậu cần… Trong khi đó, nông nghiệp vẫn là thành tố quan trọng, đáng tin cậy trong nền kinh tế và ổn định toàn cầu.
Giới chuyên gia dự báo, ngành Nông nghiệp thế giới phải tăng 60% năng suất mới đủ nuôi sống dân số ước tính đạt 9,3 tỷ người vào năm 2050. Chính vì vậy, an ninh lương thực toàn cầu cũng là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hàng loạt hội nghị quốc tế suốt thời gian qua.
Hiện, những nguồn tài trợ truyền thống, vốn là “phao cứu sinh” cho các nước nghèo đang “quá tải”. Chi phí để ngăn chặn nạn đói toàn cầu từ nay đến năm 2030 ước tính ở mức 45 tỷ USD. Nếu không hành động nhanh chóng, thế giới có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, gây hậu quả dài hạn đối với hàng trăm triệu người lớn và trẻ em.