Theo một báo cáo mới được đệ trình lên chính phủ liên bang ngày 1-12, Mỹ là quốc gia xả thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Báo cáo kêu gọi lập chiến lược quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa.
Theo báo cáo, Mỹ xả 42 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2016, nhiều hơn gấp đôi so với Trung Quốc và nhiều hơn các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.
Trung bình mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải nhựa mỗi năm. Người Anh đứng thứ hai trong danh sách với 99kg/người/năm. Sau đó là Hàn Quốc với 88kg/người/năm.
Theo Hãng tin AFP, báo cáo được Quốc hội Mỹ ủy nhiệm thực hiện như một phần của Đạo luật Save Our Seas 2.0. Đạo luật này có hiệu lực từ tháng 12-2020, có mục tiêu giảm rác thải nhựa.
“Nhựa là phát minh kỳ diệu của thế kỷ 20 và sự thành công của nó đã tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu”, Margaret Spring, người chủ trì ủy ban các chuyên gia biên soạn báo cáo, cho biết.
Bà Spring nói thêm rằng ô nhiễm rác thải nhựa là “một cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội”, nó làm ô nhiễm sông, hồ và bãi biển, gia tăng gánh nặng kinh tế lên cộng đồng, đe dọa động vật hoang dã nguy cấp và các vùng nước mà con người phụ thuộc.
Báo cáo cho biết sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 20 triệu tấn vào năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015, tăng gấp 20 lần trong nửa thế kỷ.
Ngày nay, hầu hết nhựa trên đất liền đều có khả năng xả ra đại dương thông qua sông và suối.
Báo cáo chỉ ra rằng gần một nghìn loài sinh vật biển dễ bị vướng vào hoặc ăn phải các mảnh nhựa hay hạt vi nhựa. Sau đó chúng trở thành thức ăn cho con người, khiến nhựa đi vào cơ thể chúng ta.
Với tốc độ xả thải hiện tại, lượng nhựa thải ra đại dương có thể lên tới 53 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Nguyên nhân được cho là đến từ chất thải nhựa phát sinh khi các đô thị mọc lên, đặc biệt là từ những năm 1980. Quy mô tái chế nhựa không theo kịp, dẫn đến ngày càng nhiều nhựa kết thúc vòng đời ở các bãi chôn lấp.
Báo cáo đề ra một số giải pháp giảm rác thải nhựa như sau: giảm đồ nhựa dùng một lần, thay vào đó dùng các vật liệu phân hủy nhanh hơn và dễ tái chế hơn.
Cải tiến công nghệ thu gom chất thải để giảm nhựa trong hệ thống xả thải, đồng thời giảm lượng nhựa xả trực tiếp ra đại dương.
Báo cáo cũng đề cao việc thu thập dữ liệu và kêu gọi chính quyền thiết lập các hệ thống giám sát nhằm xác định các nguồn xả thải hay các điểm nóng xả thải.
Ngoài ra, chính quyền cũng được khuyến nghị cần phát triển chiến lược quốc gia chậm nhất là vào cuối năm 2022.