Để giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm không khí trên cả nước, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, Việt Nam cần có những lộ trình, tiêu chí rõ ràng về việc giảm thiểu tỉ lệ phần trăm ô nhiễm theo giai đoạn.
Phải có tiêu chí và lộ trình cụ thể
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu cụ thể là kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp, thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục.
Rà soát, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí xung quanh tại các đô thị, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải. Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp.
Trao đổi với Lao Động, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, Kế hoạch hành động quốc gia này là phù hợp với thực tiễn, hướng tới mục tiêu chung là giảm ô nhiễm không khí, tuy nhiên, nên có những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể về mức độ giảm thải ô nhiễm.
“Chúng ta phải vạch ra được những tiêu chí cụ thể, như 3 năm tới chúng ta phải giảm được 10-20% lượng khí thái, từ đó chia ra cụ thể từng lĩnh vực để giảm thải khí ô nhễm như hoạt động giảm khí thải xe máy, giảm khí thải từ làng nghề…”, TS. Hoàng Dương Tùng ví dụ.
Đồng quan điểm, GS Cao Thế Hà – Chuyên gia môi trường cho biết: Tại Hội nghị COP26 diễn ra đầu tháng 11.2021 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết với thế giới đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt mức “Zero CO2”. Như vậy, theo giáo sư, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình ngay từ bây giờ.
“Chúng ta cần có lộ trình giảm ô nhiễm không khí càng sớm càng tốt. Bởi việc xây dựng và thực hiện có thể mất hàng năm trời với những tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết”, ông Hà nói.
Để làm được điều này, điều tiên quyết chúng ta cần là công khai số liệu về quan trắc môi trường. GS.TS Cao Thế Hà nhận định: “Nếu chỉ có Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí thì điều đó là chưa đủ, chúng ta cần có thêm những quyết định, văn bản khác”.
Theo ông Hà, để giải quyết bài toán ô nhiễm không khí, cần có cái nhìn bao trùm về các nguyên nhân gây nên ô nhiễm.
“Mà một trong những công cụ để thực hiện tính bao trùm chính là công khai số liệu, tức là thiết lập hệ thống dữ liệu về ô nhiễm không khí cũng như các loại ô nhiễm khác và công khai, có thống kê hàng năm, từ đó biết được ta tăng cường phát thải đến đâu và kiểm soát được đến đâu”, ông Hà nói.
Giải pháp để giảm khí phát thải của phương tiện giao thông
Đối với nguồn khí thải giao thông, TS Hoàng Dương Tùng nhận định, qua các số liệu có thể thấy phần lớn xuất phát từ xe ô tô, xe máy cá nhân.
“Các biện pháp kiểm soát lượng khí thải xe máy đã được các nước trên thế giới triển khai từ rất lâu. Trước đó, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giảm lượng khí thái từ các phương tiện giao thông, cơ giới hoá nhưng thực tế vẫn chưa thể thực hiện”. Ông Tùng cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu các cơ sở pháp lý để triển khai.
“Tôi nghĩ việc kiểm tra khí thải là việc làm cần thiết, nên bổ sung cơ sở pháp lý để chúng ta có thể tiến hành việc kiểm tra khí thải một cách thường xuyên”, ông Tùng nói.
Nhận định về vấn để giảm khí phát thải từ các phương tiện giao thông tại đô thị, Giáo sư Cao Thế Hà đưa ra quan điểm: “Chúng ta phải sử dụng nhiên liệu sạch; tổ chức phát triển các công trình giao thông công cộng; tận dụng 4.0, làm việc từ xa để hạn chế đô thị và phát triển đô thị xanh, trồng thêm cây”.
Nhìn chung, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, điều quan trọng nhất phải đấu tranh lâu dài như TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ: “Chúng ta phải chống ô nhiễm môi trường như chống giặc ngoại xâm”.