Sống ở xứ sở nhiệt đới giàu cỏ cây hoa lá nên cảm quan người Việt là cảm quan thiên nhiên, nhìn sự vật qua lăng kính thiên nhiên. Con người và thiên nhiên hòa lẫn vào nhau, làm chuẩn mực thẩm mỹ cho nhau, cùng nâng nhau lên vị thế những vẻ đẹp trong kỳ quan vũ trụ… Là người yêu thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên và quy luật tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thân cho bản sắc văn hóa Việt Nam trong mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, môi trường.
Sinh thời, Bác là người đầu tiên của chính thể dân chủ mới viết về vấn đề môi trường, đưa ra các giải pháp rất cụ thể để làm sao có một môi trường lành mạnh: “Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân… Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận…”. Những lời dạy này in trong “Đời sống mới” phát hành tháng 3/1947.
Nói riêng về lĩnh vực môi trường tự nhiên trong khái niệm “môi trường” của Bác, ngoài yêu cầu phải “sạch sẽ”, Người cũng chỉ ra các biện pháp thực hành đơn giản mà phù hợp. Bác dạy đồng bào ăn sạch, uống sạch, ở sạch để tránh những bệnh truyền nhiễm do môi trường không sạch sẽ gây ra. Không ốm đau mới có sức khỏe để lao động tốt. Lao động tốt để làm ra của cải, tránh được đói nghèo. Có bớt đói nghèo thì mới có lương thực nuôi quân ăn no đánh thắng. Đó, văn hóa môi trường trong quan niệm và lời dạy của Bác cực kỳ đơn giản và dễ hiểu. Sạch là nguồn cơn của rất nhiều vấn đề.
Về trồng cây gây rừng, Bác luôn dạy phải trồng thật nhiều cây xanh, vì cây cối không những đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn “ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân”. Người đã từng nhiều lần chỉ ra thực trạng mất rừng dẫn đến núi trọc, không giữ được nước đầu nguồn khiến sông không có nước, nước hiếm gây hạn hán và hậu quả là đói nghèo. Vậy nên, muốn no ấm, tiến bộ, giàu có, phát triển thì phải trồng thật nhiều rừng và giữ rừng!
Trong dâu bể chiến tranh, môi trường và thiên nhiên vẫn luôn là điều được lưu tâm. Thế nhưng hà cớ gì ngày rộng tháng bình yên thì ô nhiễm môi trường, bức tử các dòng sông, chặt phá rừng, săn bắt động vật, tận diệt khoáng sản… lại “nóng” lên? Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; các Luật, văn bản của Nhà nước thường xuyên ban hành; các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, thực hiện công tác quản lý… Nhưng sự xâm hại về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường ngày càng trầm trọng, thậm chí công khai thách thức cơ quan chức năng. Luật và thi hành luật chưa đủ sức răn đe chăng? Hay tình trạng trên nóng dưới chưa nóng vẫn chưa khắc phục? Hay ý thức của người dân chưa cao? Hay lợi ích nhóm đang làm mờ mắt một bộ phận người dân và cán bộ tha hóa???
Hội nghị Văn hóa toàn quốc dẫn lời của Bác rằng, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, và văn hóa phải là sức mạnh nội sinh. Một đất nước trọng văn, lấy văn hóa và những giá trị nhân văn đẹp đẽ làm kim chỉ nam (soi đường) cho lẽ sống. Hơn thế, văn hóa đó phải có sẵn, thấm sâu (nội sinh) trong mỗi con người. Chân lý giản dị ấy đối với bất cứ ai, ngành nghề nào cũng cần và đúng.
Bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên phải xuất phát từ ý thức thôi thúc hành vi. Bằng không, khi ý thức lờ vờ, hành vi nửa mùa; tệ hơn, khi thiếu ý thức bảo vệ môi trường, vô trách nhiệm trước bản thân, khi tâm địa hiểm ác, tham lam bất chấp đạo lý và luật pháp, chà đạp lên văn hóa, nhân văn thì chính quyền có cố gắng bao nhiêu cũng sẽ bị những kẻ đó bôi nhọ (con sâu bỏ rầu nồi canh), cản đường, làm chậm lại mục tiêu bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên của đất nước.
Thế nên, học Bác sao cho ngấm cho sâu, sao có càng nhiều người học tập và làm theo thì ngõ hầu, con đường đi tới mục tiêu mới nhanh gần lại.