Nếu bạn nghĩ rằng biến đổi khí hậu đã đẩy các nền văn minh cổ đại đến chỗ diệt vong, có lẽ là do bạn chưa được nghe những câu chuyện kể về việc con người tồn tại trong 2.000 năm qua như thế nào.
Chẳng hạn, người Maya cổ đại đã không biến mất khi nền văn minh của họ “sụp đổ” vào khoảng thế kỷ thứ 9, mặc dù hạn hán đã gây ra khó khăn và khiến nhiều thành phố bị bỏ hoang, hơn 7 triệu người Maya vẫn sống trên khắp Mexico và Trung Mỹ. Người Maya ứng phó với thời tiết khô hạn bằng cách phát triển các hệ thống tưới tiêu phức tạp, thu trữ nước mưa và di chuyển đến các khu vực ẩm ướt hơn – những chiến lược này đã giúp các cộng đồng sống sót qua các đợt hạn hán.
“Towards a rigorous understanding of societal responses to climate change” (Hướng tới sự hiểu biết chính xác về những phản hồi biến đổi khí hậu của xã hội), bài báo được công bố trên tạp chí Nature gần đây cho rằng nỗi ám ảnh về kết thúc thảm họa đã thúc đẩy phần lớn các nghiên cứu về phản hồi của các xã hội trước những biến đổi khí hậu trong lịch sử. Điều đó dẫn đến một cái nhìn lệch lạc về quá khứ, cũng như sự bi quan về khả năng ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. “Nhìn chung, trong quá khứ, thật hiếm xảy ra chuyện một xã hội sụp đổ do phải đối mặt với biến đổi khí hậu”, Dagomar Degroot, một nhà sử học môi trường tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ) và là tác giả chính của bài báo, cho biết. Vậy những câu chuyện tiêu biểu về sự sụp đổ do tác động môi trường mà có thể bạn đã nghe như Đảo Phục Sinh hay nền văn minh Maya? “Tất cả những câu chuyện đó cần phải được kể lại”, ông nhận định.
Việc phác họa một bức tranh phức tạp hơn về quá khứ – một bức tranh bao gồm những câu chuyện về khả năng hồi phục khi đối mặt với sự thay đổi khí hậu đột ngột – có thể giúp tránh được thuyết định mệnh (fatalism) và nỗi tuyệt vọng xảy ra khi nhiều người hiểu rõ quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu. Bản thân Degroot nhận thấy các sinh viên của mình cũng bắt đầu lặp lại những luận điểm của người bi quan (doomist) như “các xã hội trong lịch sử đã sụp đổ chỉ vì một chút biến đổi khí hậu, tại sao chúng ta sẽ khác chứ”? Theo Degroot, một phần lý do người ta nghiên cứu về quá khứ là “bởi vì chúng ta quan tâm đến tương lai, hiện tại, và cách giải quyết vấn đề đó”.
Tất nhiên, ý tưởng biến đổi khí hậu có thể dẫn đến diệt vong không phải là sai. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. “Chắc chắn là bài báo của chúng tôi không bác bỏ quan điểm rằng biến đổi khí hậu đã dẫn đến những tác động thảm khốc đối với những xã hội trong quá khứ – chứ chưa nói tới sự nóng lên toàn cầu đã và sẽ mang lại những hậu quả cực kì tồi tệ với chúng ta”, Degroot viết trong một bài đăng trên Historical Climatology vào tháng 3/2021.
Ngay cả những biến đổi nhỏ nhất của khí hậu cũng gây ra nhiều vấn đề. Và những thay đổi của hành tinh hiện nay mới chỉ ở mức khiêm tốn nhất: Thế giới đang trên đà tiến tới mức nóng lên đáng báo động 3,2oC vào cuối thế kỷ này, cho dù các quốc gia đáp ứng các cam kết hiện tại về cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris.
Bài báo đã tìm hiểu xem các xã hội đã thích nghi với biến đổi khí hậu trong suốt 2000 năm qua theo những phương thức nào. Châu Âu và Bắc Mỹ đã trải qua những giai đoạn hạ nhiệt vừa phải: Thời tiểu băng hà hậu cổ đại (Late Antique Little Ice Age) diễn ra vào khoảng thế kỷ 6, và Thời kỳ tiểu băng hà từ thế kỷ 13 – 19. Thông qua những nghiên cứu tiêu biểu về các thời đại băng giá này, các nhà khoa học cho biết nhiều xã hội đã phản ứng linh hoạt và khéo léo. Ví dụ con người đã di chuyển đến các khu vực khác nhau, phát triển mạng lưới thương mại, hợp tác với những cộng đồng khác, thay đổi chế độ ăn uống và tìm kiếm những cơ hội mới.
Chẳng hạn, khi các vụ phun trào núi lửa thúc đẩy Thời kỳ tiểu băng hà hậu cổ đại, người La Mã đã tận dụng lợi thế của khu vực Địa Trung Hải nhiều mưa hơn. Những cơ hội về thị trường và định cư mở rộng khi mọi người bắt đầu trồng nhiều ngũ cốc và nuôi nhiều gia súc hơn. Họ đã xây dựng các con đập, kênh, bể chứa để giúp nông dân ở những khu vực khô cằn hơn quản lý nước, và theo nghiên cứu, “những lợi ích đã thu được là rất lớn”.
Trong suốt Thời kỳ tiểu băng hà vào thế kỷ 17, ngành công nghiệp săn bắt cá voi ở các hòn đảo phía Bắc Na Uy ở Bắc Băng Dương thực sự đã hoạt động hiệu quả hơn trong những năm lạnh giá hơn. Theo nghiên cứu của Degroot, những người săn cá voi hợp tác với nhau và tập trung hoạt động vào một số ngày ở những nơi thuận tiện cho việc săn bắt.
Ở khu vực ngày nay là Đông Nam California, nơi này từng bị bỏ trống giữa những thời kỳ hạn hán nghiêm trọng và mưa gia tăng vào cuối thế kỷ 15, những người cư dân ở Mojave đã đối phó với khí hậu bất ổn bằng cách chuyển sang trao đổi buôn bán. Họ đã phát triển các kỹ thuật mới về làm gốm và đan giỏ, buôn bán ngô, đậu và bí do những người láng giềng ở phía Nam Kwatsáan sản xuất.
Nếu những câu chuyện về việc thích ứng với biến đổi quá phổ biến, tại sao chúng ít được kể đến? Có lẽ là do mọi người thấy quan tâm với những thảm họa diệt vong và nguyên nhân của chúng hơn là việc… không có thảm họa nào xảy ra. “Bạn có thể tưởng tượng rằng nếu điều đó lặp đi lặp lại, thì toàn bộ lĩnh vực sẽ tập trung vào thảm họa”, Degroot cho biết. “Và tôi nghĩ rằng đó chính xác là những gì đã xảy ra”.
Trong nghiên cứu này, một nhóm các nhà khảo cổ học, sử học, cổ khí hậu học và các chuyên gia quốc tế khác đã xem xét 168 nghiên cứu về Thời kỳ băng hà nhỏ ở châu Âu trong 20 năm qua. Trong đó, 77% các nghiên cứu nhấn mạnh đến thảm họa, chỉ 10% tập trung vào khả năng phục hồi. “Khả năng phục hồi” ở đây là khả năng của một nhóm nhằm đối phó lại các mối nguy, phản ứng và cải tổ mà không làm mất đi bản sắc cốt lõi của mình.
Những câu chuyện về thảm họa diệt vong thường được kể như câu chuyện ngụ ngôn về những gì xảy ra khi con người phạm sai lầm (hãy nghĩ đến câu chuyện về con thuyền Noah). Sự quan tâm của công chúng về sự sụp đổ do môi trường tăng lên vào năm 2005 khi cuốn sách “Sụp đổ: Các xã hội đã thành công hay thất bại như thế nào” của Jared Diamond được phát hành. Một số người không đồng tình với những diễn giải trong cuốn sách. Cuốn sách đề cập đến Đảo Phục Sinh, hay còn gọi Rapa Nui, một hòn đảo nằm phía Nam Thái Bình Dương nơi người Polynesia định cư, nổi tiếng với những chiếc đầu bằng đá nguyên khối (phần cơ thể còn lại nằm dưới lòng đất). Cuốn sách truyền bá ý tưởng rằng nền văn minh nơi đây bị diệt vong vì người dân trên đảo chặt phá và đốt rừng – một câu chuyện cảnh báo về nguy cơ khi hủy hoại môi trường.
Câu chuyện mới về Rapa Nui phức tạp hơn. Trong bài báo “The truth about Easter Island: a sustainable society has been falsely blamed for its own demise” (Sự thật về Đảo Phục Sinh: một xã hội bền vững bị đổ lỗi sai về sự sụp đổ), nhà khảo cổ học Catrine Jarman cho rằng nạn phá rừng là do những con chuột gặm cây mà người Polynesia mang theo và sự sụt giảm dân số vào thế kỷ 19 là do các cuộc truy quét nô lệ và dịch bệnh do các thương nhân châu Âu đưa vào.
Nghiên cứu gần đây cho thấy những người dân bản địa đặc biệt giỏi trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, Degroot cho biết, “bời vì họ có thể di cư hoặc thay đổi việc phân phối các nguồn tài nguyên mà họ dựa vào”.
Mặc dù nhiều xã hội sống sót sau áp lực của Thời kỳ băng hà nhỏ, Degroot nhận thấy rằng khả năng phục hồi đôi khi “là kết quả của một cộng đồng có khả năng tiếp cận với những nguồn tài nguyên được ưa thích, có thể là qua một cộng đồng khác”. Chẳng hạn, những người Hà Lan giàu có ở thế kỷ 17 đã nhập khẩu ngũ cốc quanh vùng Baltic và bán lại với lợi nhuận cao ở bất cứ nơi nào bị khan hiếm ngũ cốc do ảnh hưởng của thời tiết ở châu Âu. Theo Degroot, bài học cho ngày nay là “chúng ta cần nghĩ đến việc xây dựng sự bình đẳng như một cách thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Bài báo đã đưa ra các phương pháp xuất sắc để các nhà nghiên cứu áp dụng khi nghiên cứu lịch sử xã hội và khí hậu, vạch ra những phương thức để giảm bớt sự thiên kiến và tránh sử dụng sai dữ liệu lịch sử. Việc tuân theo một quy trình nghiêm ngặt hơn có thể tìm ra những ví dụ bất ngờ về những cộng đồng đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt và những giếng nước khô cạn, nhưng vẫn tìm ra cách để tồn tại. “Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ ngăn chặn ý tưởng của những người bi quan rằng lịch sử cho thấy chúng ta không thể tránh khỏi thảm họa”, Degroot nói. “Có thể chúng ta sẽ bị như vậy! Nhưng quá khứ không cho chúng ta biết điều đó”.