Để vào được hiện trường vụ phá rừng ở vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phải mất nhiều giờ đi bộ men theo suối, vậy đối tượng đưa gỗ ra khỏi cửa rừng bằng cách nào? Bên cạnh đó, bao đời nay người đồng bào Vân Kiều ở bản Cát, Trỉa sống gần rừng đặc dụng nhưng không xâm phạm vào rừng già, tại sao bây giờ xảy ra tình trạng phá rừng. Chúng tôi đi cùng đoàn đến nơi những cây rừng bị ngã đổ, gặp từ cán bộ bảo vệ rừng đến cán bộ địa phương để trả lời câu hỏi: Tại sao rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bị xâm phạm?
Rừng “đổ máu”, bảo vệ rừng ở đâu?
Bản Cát, Trỉa thuộc xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) với phần lớn là người đồng bào thiểu số Vân Kiều sinh sống nằm ở gần tiểu khu 645 của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa – nơi xảy ra tình trạng phá rừng. Để vào tiểu khu trên, xuất phát từ bản Cát, phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ men theo suối Khe Miếu và các con đường mòn nhỏ ở vách đồi. Dọc đường đi, thi thoảng vẫn gặp vài ba cây rừng bị ngã đổ chỉ còn phần gốc, cạnh đó là mùn cưa vương vãi. Có đoạn suối, một số phách gỗ bị vướng lại tại các hốc đá.
Chốt bảo vệ rừng nằm cách bản Cát khoảng 3 cây số, gọi là chốt nhưng thực ra chỉ có các nhành cây gỗ nhỏ buộc tạm rồi phủ lên trên tấm nilon để che mưa nắng. Mỗi ca trực ở chốt này có 2 cán bộ bảo vệ rừng, ban ngày họ đi tuần, tối về mắc võng ở lán ngủ, giữa rừng già vắng người qua lại. Anh Hồ Văn Sữa (34 tuổi, quê ở thôn Ra Ly, xã Hướng Sơn) – cán bộ bảo vệ rừng cho biết, từ lúc phát hiện việc phá rừng ở vùng lõi, ở chốt này luôn có người túc trực để kiểm soát người ra, vào.
Hỏi lý do vì sao có bảo vệ rừng mà để rừng bị phá, anh Sữa kể ở trong khu bảo tồn nguy hiểm nhất là vào mùa mưa. Mưa lớn, nước suối về ngập cả chốt bảo vệ rừng, nếu không thoát ra ngoài thì nguy hiểm tính mạng. “Tháng 10 nhiều cơn bão, mưa lớn kéo dài, anh em bảo vệ rừng phải rời khỏi đây. Tuyến đường từ trung tâm vào thôn cũng bị nước lũ xé, nên chỉ chốt ở phía ngoài. Lợi dụng anh em ra hết, các đối tượng vào rừng để chặt hạ cây gỗ” – anh Sữa, cho biết.
Là người bản địa, còn trẻ nên anh Sữa được tăng cường vào chốt này để phát huy hiệu quả. Cứ vài ngày, khi thức ăn đem theo hết anh mới ra trạm để thay người khác vào. Cùng ở chốt với anh Sữa là anh Nguyễn Văn Phú (38 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), anh Phú có thời gian bám rừng lâu hơn, tuổi lớn hơn và cũng được phân công vào chốt này cả tháng nay. “Chúng tôi không kêu ca vất vả, chỉ mong được cảm thông về công việc đang làm. Nếu tính số ha rừng trên số lượng bảo vệ rừng, mỗi người quản lý 1.000ha. Việc xảy ra phá rừng chúng tôi lấy làm tiếc. Khi phát hiện ra ai cũng xanh mặt, từ hôm đó đến nay cứ bám trụ đây để bảo vệ hiện trường chứ không dám về nhà” – anh Phú, chia sẻ.
Từ chốt bảo vệ, đi khoảng hơn 1 cây số đường rừng, tại tọa độ X0548539-Y1860072 có một cây gỗ khủng thuộc nhóm III đã bị cưa hạ vẫn còn nguyên cành. Cây gỗ này có đường kính thân gần 1 mét, dài hơn 30 mét có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, tại ở vị trí lô 1, 2 ở khoảnh 4 và lô 1, khoảnh 2 ở Tiểu khu 645 có thêm 35 cây rừng bị đốn hạ. Phần lớn, các cây bị đốn hạ đã được cưa xẻ thành từng hộp gỗ rồi được vận chuyển ra khỏi rừng.
Xem xét khởi tố
Trên quãng đường từ thôn Cát đi vào rừng, chúng tôi chứng kiến cách mà chị Hồ Thị Đương (thôn Cát) vận chuyển củi khô từ trong rừng về bản. Sau khi lượm nhặt các thanh củi, thay vì gánh về, chị Đương thả trôi theo dòng suối, củi bị vướng ở đâu thì chị đi sau để gỡ, về đến đập tràn ở gần bản thì chị vớt củi lên, chất ở bờ cho khô rồi chuyển về nhà.
Ông Hà Văn Hoan – Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nhận định, gỗ trong rừng cũng được đưa ra khỏi rừng như cách của chị Đương. Vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 10.2021 xuất hiện các cơn bão, nên xảy ra lũ ống, lũ quét khiến nước suối dâng lên cao. Các đối tượng lợi dụng điều này, đã bè gỗ rồi thả trôi theo dòng nước. “Chỉ có cách ấy, chứ trong rừng không có đường mòn. Chúng tôi kiểm tra cũng không có dấu vết của việc vận chuyển gỗ ra ngoài ngoại trừ một số phách gỗ còn kẹt lại ở trên suối” – ông Hà Văn Hoan, cho biết.
Đánh giá về mức độ phá rừng trong khu bảo tồn, ông Hoan nói rằng, địa điểm xảy ra vụ việc nằm trong phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt, nên có chặt 1 cây cũng nghiêm trọng. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác thì đơn vị đang phối hợp với kiểm lâm, công an để làm cẩn thận. Đánh giá được số lượng cây, khối lượng gỗ rồi thì sẽ xem xét khởi tố. Về đối tượng phá rừng, ông Hoan thông tin có 18 đối tượng nghi vấn đang được tiếp cận để làm rõ. Hiện tại, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, phối hợp với kiểm lâm đánh dấu niêm phong, tăng cường chốt chặn các vị trí, kịp thời ngăn chặn không để các đối tượng đưa gỗ ra khỏi rừng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, qua kiểm tra hiện trường xảy ra vụ chặt phá rừng trái phép, nhận thấy nguyên nhân khách quan là do thời gian mưa lũ nên lực lượng bảo vệ rừng phải rút ra ngoài, một số đối tượng lợi dụng vào rừng, khai thác một số vị trí dọc khe suối. Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị các đơn vị liên quan xác định các đối tượng khai thác rừng trái phép, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân liên quan. Trước câu hỏi có phải người dân sống gần rừng nhưng không được hưởng lợi từ rừng nên mới phá rừng, và lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng?, bà Phương cho hay qua kiểm tra, bản thân bà cũng nhận thấy 2 vấn đề này. “Vì vậy, tôi sẽ kiến nghị đưa người dân các địa phương sống gần rừng, cụ thể là thôn Cát, thôn Trỉa vào trong nhóm hưởng chính sách giao khoán bảo vệ rừng khu vực 2 và 3. Đồng thời, sẽ rà soát lại để tăng cường thêm lực lượng cũng như công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng ở khu vực này” – bà Phương, nói.
Liên quan đến vụ phá rừng nói trên, trước mắt Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã điều chuyển cán bộ phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trỉa, xã Hướng Sơn; tăng cường thêm 1 cán bộ đến trạm này và đang xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.