Hầu hết các quốc gia nghèo nhất đều nghèo hơn đáng kể vì hiện tượng nóng lên toàn cầu trong khi các nước giàu đều giàu lên.
Đã nghèo càng nghèo hơn
Ảnh hưởng từ Cách mạng Công nghiệp, lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động của con người gây ra đã tăng từ mức không đáng kể lên đến hơn 40 tỷ tấn một năm, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng lên khoảng 1oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng dù biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu thì không phải nước nào cũng chịu hậu quả như nhau. Đặc biệt, các nước vốn có khí hậu ấm áp hay nhiệt đới càng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Các vùng nghèo nhất trên thế giới như châu Phi, Nam Á như Sudan, Angola, Ấn Độ dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu (Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất). Một bài báo năm 2020 của World Bank ước tính biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 68 đến 135 triệu người vào đói nghèo mỗi năm.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng hầu hết các quốc gia nghèo nhất đều nghèo hơn đáng kể vì hiện tượng nóng lên toàn cầu”, nhà khoa học khí hậu Noah Diffenbaugh, tác giả chính của nghiên cứu công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) cho biết. “Trong khi đó, phần lớn các quốc gia giàu có đều giàu hơn so với trước đây”.
Các tác giả nhận thấy, kể từ năm 1961 đến năm 2010, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến cho thu nhập của mỗi người dân ở các nước nghèo nhất giảm 17 – 30%. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, năm quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nề là Ấn Độ, Sudan, Nigeria, Indonesia, Brazil.
Trong khi đó, khoảng cách giữa nhóm các quốc gia giàu nhất và các quốc gia nghèo nhất hiện đã lớn hơn 25% so với khi không có biến đổi khí hậu. Thậm chí, trong ngắn hạn, một số quốc gia giàu có ở xứ lạnh như Na Uy, Canada, Thụy Điển còn được hưởng lợi về kinh tế lên đến 34%, khi biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ ở các quốc gia lạnh này tăng lên mức nhiệt phù hợp để phát triển kinh tế (dù về dài hạn sau này, khi mức nhiệt tăng quá ngưỡng, các quốc gia này rồi cũng sẽ chịu thiệt hại).
Ai gây biến đổi khí hậu nhiều nhất?
Để góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, “chúng ta” cần giảm mức tiêu thụ và phát thải. Nhưng “chúng ta” ở đây là ai? Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự ấm lên toàn cầu như đã nói ở trên, song, nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất thực ra lại đóng góp ít nhất vào sự tích tụ khí thải nhà kính.
Trong khi những nước phát thải nhiều nhất được hưởng mức GDP bình quân đầu người ngày nay cao hơn trung bình khoảng 10% so với mức họ có thể có trong một thế giới không có hiện tượng ấm lên toàn cầu, thì thu nhập ở những nước phát thải thấp nhất đã bị kéo xuống khoảng 25%, trợ lý giáo sư Marshall Burke – đồng tác giả của bài báo trên PNAS cho biết.
Lượng khí thải nhà kính hiện nay chủ yếu tương quan với mức độ giàu có của các quốc gia: theo đó, các nước giàu nhất chỉ chiếm khoảng 16% dân số thế giới, nhưng lại thải ra đến gần 40% lượng phát thải CO2. Trong khi đó, những quốc gia nghèo nhất theo phân loại của World Bank, chiếm đến 60% dân số thế giới, chỉ phát thải chưa đến 15%. Nếu tính theo đầu người, lượng phát thải của một người dân sống ở Mỹ là 20 tấn CO2 tương đương (CO2-eq) – gấp hai lần so với lượng phát thải của một người ở Liên minh châu Âu hoặc ở Trung Quốc, và gấp gần 10 lần so với một người ở Ấn Độ.
Sự chênh lệch giữa các quốc gia này bắt nguồn từ lịch sử: các quốc gia phát triển góp phần gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu nhiều hơn so với tỷ lệ phát thải hiện tại của họ do họ đã đóng góp vào sự tích lũy khí nhà kính trong bầu khí quyển trong một thời gian dài. Chẳng hạn, đóng góp của Mỹ vào lượng khí thải tích lũy là 25%, của Liên minh châu Âu là 22%, Trung Quốc là 13% trong khi Ấn Độ chỉ là 3%.
Các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đã nhấn mạnh điểm này trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu. Trong các cuộc thảo luận trước Thỏa thuận khí hậu Paris vào năm 2015, các đại biểu Ấn Độ đã thúc giục phải có “bồi thường khí hậu” từ các quốc gia giàu có – họ đáng chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải CO2 khiến Trái đất nóng lên trong quá khứ. Và một liên minh các quốc đảo, dẫn đầu là Quần đảo Marshall, đã đấu tranh mạnh mẽ để các quốc gia giàu có hơn, ít bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu hơn, hướng đến mục tiêu giữ cho nhiệt độ ấm lên ở mức 1,5oC vào năm 2100, thay vì mục tiêu 2oC ở phần đầu của cuộc đàm phán.
Chênh lệch phát thải carbon không chỉ diễn ra giữa các quốc gia mà còn ở ngay trong mỗi quốc gia. Chẳng hạn, một báo cáo của tổ chức Oxfam đã chỉ ra rằng, chỉ 10% người giàu nhất đã tạo ra một nửa lượng khí thải carbon trên toàn thế giới, trong khi những người nghèo nhất (chiếm 50% dân số toàn cầu) chỉ đóng góp 10% khí thải carbon.
Chính sách không “tiếp tay” cho bất bình đẳng ?
Nếu không có biện pháp hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện tượng này sẽ tiếp tục khuếch đại tác động đối với vấn đề bất bình đẳng, làm suy yếu những nỗ lực phát triển, khiến nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo và không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Chẳng hạn, nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5oC, 245 triệu người rơi vào tình cảnh thiếu nước, còn với mức tăng 2oC, con số này sẽ là 490 triệu người.
Nhu cầu bức thiết hiện nay là cần có các chính sách chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả trong sử dụng năng lượng, giao thông, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm cũng như các hàng hóa khác. Nhưng câu hỏi đặt ra là: những chính sách này sẽ được thiết kế như thế nào? Bởi chính những biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng có thể “tiếp tay” cho sự bất bình đẳng, nếu như các chính sách áp đặt quá nặng nề lên các nước nghèo.
Chẳng hạn, do các chính sách này ảnh hưởng đến giá thực phẩm và năng lượng, chúng có thể sẽ làm chậm tiến trình tiếp cận năng lượng và ảnh hưởng đến những người nghèo nhất – những người phải chi phần lớn thu nhập của mình cho các hàng hóa này. Do đó, các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu cần đi đôi với các giải pháp bù đắp chi phí cho người nghèo và người dễ bị tổn thương ở mỗi quốc gia.
“Chúng tôi nhìn nhận việc giảm thiểu biến đổi khí hậu là điều kiện cần để nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững. Nhưng đồng thời, chúng tôi cho rằng, điều cần phải được đặt lên hàng đầu là đảm bảo công bằng trong mọi giai đoạn hoạch định chính sách môi trường. Từ việc lập kế hoạch, phát triển và thực thi chính sách, những nỗ lực giảm phát thải được phân chia một cách công bằng và đảm bảo hướng đến những mục tiêu rộng hơn, chẳng hạn như giảm đói nghèo và bất bình đẳng, tạo ra công ăn việc làm ổn định, nâng cao chất lượng không khí và cải thiện dịch vụ y tế công cộng”, nhóm tác giả của bài viết “Gắn kết vấn đề khí hậu với bất bình đẳng” trên trang của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.
Do đã phát thải rất nhiều trước đây cũng như có khả năng chi trả cao hơn, các quốc gia giàu có nên mở đường trong việc thực hiện các chính sách khí hậu một cách mạnh mẽ. Việc hỗ trợ tài chính giữa các quốc gia cũng có thể làm giảm gánh nặng hạn chế phát thải cho các nước nghèo hơn và tăng cường sự tham gia vào các nỗ lực giảm biến đổi khí hậu. Một giải pháp khác là tạo ra các quỹ thích ứng có nhiệm vụ đảm bảo chuyển giao công nghệ từ các nước giàu – nơi cho ra đời hầu hết các bằng sáng chế – cho các nước nghèo hơn.
Song song với việc hạn chế phát thải, các chính sách thích ứng cũng phải được thực hiện để làm giảm mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đưa ra những quy tắc điều chỉnh từ việc xây dựng ở các khu vực có nguy cơ, như phân vùng lũ lụt, quyền sử dụng đất và cho đến các tiêu chuẩn xây dựng. Các cộng đồng nghèo nhất cũng phải được cung cấp các dịch vụ y tế tốt hơn và có cơ chế bảo hiểm mới.
Các nhà khoa học lưu ý, để thiết kế các chính sách khí hậu, các nhà quản lý nên nhớ rằng, mỗi cá nhân và mỗi quốc gia có khả năng giảm thiểu phát thải và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu khác nhau. Nếu không, một chính sách khí hậu tồi sẽ có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng hiện có.