Tràm được xem là loại cây đặc trưng tại nhiều vùng đất Kiên Giang. Tràm không chỉ là bức tường xanh chắn sóng mà còn là sinh kế cho người dân nơi đây.
Cách TPHCM gần 300km về phía Nam tổ quốc, huyện Hòn Đất là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất của tỉnh Kiên Giang. Về Hòn Đất sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh kênh rạch chằng chịt. Đặc biệt nơi đây là có những rừng tràm rộng lớn hàng ngàn ha.
Dưới những cánh rừng tràm, nhiều năm nay, người dân nhận giao khoán đất rừng không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng mà còn tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có để triển khai các mô hình kinh tế dựa vào rừng. Các mô hình đang cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống của người dân dưới tán rừng phòng hộ.
Theo Ban quản lý rừng Kiên Giang, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng cũng được thực hiện từ khá lâu. Từ năm 2008, Nhà nước có chủ trương thu hồi diện tích giao khoán rừng trước đây, giao khoán lại với định mức mới, người dân được hưởng 40% lợi nhuận từ nguồn thu lâm sản phụ.
Ban quản lý rừng Kiên Giang đã phối hợp ngành nông nghiệp các địa phương xây dựng các mô hình kinh tế để giúp người dân sản xuất hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích rừng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Anh Nguyễn Văn Cộng, ấp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất được chính quyền và ngành chức năng xem xét giao khoán hơn 2,7ha. Theo đó, anh tiến hành lên liếp, gia cố bờ bao vững chắc để trồng rừng kết hợp thả 45.000 con tôm và 9.000 con cua giống. Nhờ vào khai thác gỗ kết hợp mô hình nuôi trồng dưới tán rừng, sau khi trừ chi phí mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng.
“Lúc đầu người dân chúng tôi còn chưa ý thức nhiều trong bảo vệ rừng, nhưng sau đó nhờ các ban ngành như kiểm lâm, Ban quản lý rừng tuyên truyền cho dân nắm rõ nên công tác bảo vệ ngày càng tốt hơn. Được Nhà nước giao khoán nên gia đình tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng. Mùa khô tập trung phòng chống cháy, vận động anh em bà con lối xóm cùng nhau đắp đập, dọn cỏ, giữ đập, giữ nước”.
Tương tự Công ty CP gỗ MDF VRG Kiên Giang đã được chính quyền địa phương giao trên 4.000ha đất lâm nghiệp, trong đó 2.500ha là đất rừng sản xuất tại huyện Hòn Đất, 1.400ha rừng tràm nguyên sinh tại huyện An Minh – Kiên Giang để khai thác và trồng cây gỗ nguyên liệu.
Hiện tại diện tích rừng sản xuất tại Hòn Đất đã được Công ty trồng phủ kín cây tràm Úc và cây keo lai từ năm 2014, còn rừng tại An Minh Công ty đã khoanh vùng và bảo vệ từ năm 2015 đến nay.
Ông Dương Tấn Thanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang cho biết, việc chăm sóc, khai thác, trồng mới kết hợp với bảo vệ rừng cho đúng quy trình, không làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của rừng là một vấn đề được Công ty đặt lên hàng đầu.
Việc áp dụng phương thức khai thác luân phiên, khai thác đến đâu, trồng mới đến đó không những không làm ảnh hưởng đến nguồn sinh quyển hiện có của rừng, mà còn giúp cho động thực vật gắn liền với rừng được giữ vững. Chính vì thế, tính đa dạng sinh học trong diện tích rừng mà Công ty quản lý được đánh giá rất cao, góp phần vào việc bảo vệ rừng, đồng hành cùng xu thế phát triển bền vững của địa phương, Công ty và của Tập đoàn.
“Ngoài việc trồng và khai thác hợp lý nguồn rừng được giao, Công ty Cổ phần MDF VRG Kiên Giang đã chủ động phối hợp cùng với địa phương xây dựng hệ thống trồng rừng giao khoán được phân tán trong dân. Tính đến nay, hệ thống này được đánh giá có hiệu quả cao, điển hình là ở tiểu khu 34 xã Đông Hưng B, huyện An Minh bà con đã tiến hành trồng cây tràm từ nhiều năm nay. Đây là một tín hiệu đáng mừng về đảm bảo ổn định nguồn cung cho nhà máy trong suốt quá trình sản xuất”, ông Thanh chia sẻ thêm.
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hòn Đất, để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, thực hiện sự chỉ đạo của trên, Hạt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; thực hiện lồng ghép các Chương trình, Dự án đã được phê duyệt để tiến hành trồng mới. Tổ chức rà soát, xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho hộ dân quản lý đảm bảo đúng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó, Hạt kiểm lâm huyện còn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo vệ, quản lý rừng. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đúng theo quy định của pháp luật.
“Thực tế, để người dân nhận khoán bảo vệ rừng làm kinh tế có hiệu quả, ngoài việc vận động, tuyên truyền người dân về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đơn vị còn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân. Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương xây dựng các mô hình kinh tế để giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống trên cùng một đơn vị diện tích rừng, nhờ vậy nhìn chung công tác bảo vệ rừng tại địa phương được thực hiện tốt”, ông Bùi Thanh Liêm chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương có tuyến đê biển dài 200km, kết quả điều tra sơ bộ hiện trạng bờ biển tỉnh Kiên Giang do Dự án GIZ Kiên Giang thực hiện, mỗi năm tại huyện An Minh có từ 10 – 20m rừng phòng hộ bị mất do sạt lở bờ biển, huyện Hòn Đất có từ 20 – 50m rừng phòng hộ bị nước biển cuốn trôi.
Ông Đoàn Chí Tâm, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, dọc theo tuyến đê biển có khoảng 150km rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn với tổng diện tích rừng khoảng 8.364ha. Trong đó, tỉnh giao khoán cho 2.056 hộ. Nhìn chung, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác bảo vệ rừng cơ bản được thực hiện tốt, góp phần hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
“Về lâu dài, giải pháp gây bồi, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ là mục tiêu hàng đầu của địa phương để bảo vệ an toàn đê biển trước tác động của biến đổi khí hậu. Việc hình thành đai rừng phòng hộ ven biển có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, Ông Đoàn Chí Tâm cho biết thêm.