Trong những năm gần đây, khu vực đất rừng của huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) liên tục bị xâm hại ngang nhiên với quy mô ngày càng lớn. Đặc biệt là tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí), khu vực thôn Ninh Môn (xã Hiền Ninh)… Hàng loạt công trình biệt thự, khu nghỉ dưỡng nguy nga, tráng lệ mọc lên khiến đất rừng ngày càng bị thu hẹp. Điều đáng nói công tác xử lý vi phạm của các cấp chính quyền từ xã đến huyện vẫn “giậm chân tại chỗ”, thiếu quyết liệt…
“Xẻ” đất rừng để xây dựng
Gần cuối tháng 11, PV Lao Động có mặt tại khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn chứng kiến cảnh sôi động người đi xem đất, mua bán đất tại những cánh rừng thông bị chặt phá, san lấp, chia lô để xây dựng những công trình bêtông cốt thép kiên cố.
Bất cứ ai đi dọc theo con đường ven hồ sẽ dễ dàng nhìn thấy có rất nhiều công trình ngang nhiên xẻ đất rừng để xây dựng. Những công trình cũ này trước đây đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm và yêu cầu xử lý.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV vào thời điểm này tại khu vực hồ Đồng Đò vẫn có hàng chục ngôi nhà đang được xây dựng kiên cố theo mô hình homestay, nhà nghỉ. Ngay gần chân đập là một công trình xây dựng cao nhất nhì tại khu vực này đã đi vào hoạt động. Cách đó không xa hướng về phía bìa rừng cũng có tình trạng phân lô, bán nền đặc biệt có 2 công trình đang trong quá trình xây dựng chưa hoàn thành.
Tiếp tục di chuyển dọc con đường ven hồ khoảng 200m có rất nhiều công trình đang xây dựng được quay tôn bên ngoài và xe chở vật liệu, cây công trình chạy liên tục khiến con đường này xuống cấp nghiêm trọng khi nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì đường lại lầy lội.
Cũng theo quan sát của phóng viên, nhiều công trình xây dựng lấn ra hồ, những công trình này ngày càng phình to, lòng hồ ngày càng bị thu hẹp.
Mặc dù kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm về công tác quản lý đất rừng và xây dựng trên địa bàn, trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực hồ Đồng Đò có hàng loạt diện tích rừng bị chặt hạ, để thay thế bởi các khu nhà quy mô lớn mọc lên giữa khu vực đất rừng. Cảnh môi giới, mua bán đất rừng diễn ra tấp nập, công khai.
Trong vai nhà đầu tư đất tại khu vực Đồng Đò, PV đã được một “cò đất” người địa phương tận tình, tư vấn giới thiệu rằng, nếu có nhu cầu tìm đất thì hiện nay những mảnh có vị trí đẹp sát hồ không còn nữa, giờ chỉ còn một số mảnh sát bên đồi sát với đường. Khi được hỏi về giấy tờ của những mảnh đất này thì cò đất này cho biết: “Ở đây đều là đất rừng không có sổ, không cho chuyển nhượng. Bây giờ anh mua thì có giấy viết tay”.
Qua các điểm môi giới đất khác nằm dọc ven đường dẫn vào hồ Đồng Đò, chúng tôi đều được các cò đất khẳng định, việc mua bán, chuyển quyền sử dụng đất, kể cả đất rừng ở đây đều thuận lợi, không gặp khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, để đảm bảo giao dịch thành công, thì diện tích nhỏ nhất cũng phải trên 200m2 trở lên. Tùy vị trí, giá đất sẽ giao động từ 6-8 triệu đồng/m2, những vị trí đẹp có thể lên đến 15 triệu đồng/m2.
Văn bản của huyện, xã chỉ cho có
Không chỉ ở khu vực xã Minh Trí, tại xã Hiền Ninh tình trạng các công trình vô tư vi phạm trên đất rừng vẫn diễn ra. Nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại địa bàn thôn Ninh Môn nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, liên tiếp có những công trình vi phạm khác lại mọc lên.
Cụ thể, năm 2009, Công ty TNHH Giang Phan có hành vi vi phạm về hoạt động xây dựng nhà tạm và nhà xưởng trái phép trên đất lâm nghiệp tại thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh, với tổng diện tích 3.400m2 (xây dựng nhà xưởng là 1.435m2). Ngày 13.4.2010, UBND xã Hiền Ninh lập Biên bản số 24/BB-UBND vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng. Và đến ngày 29.5.2010, UBND xã Hiền Ninh ra Quyết định số 55/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, việc cưỡng chế này gần như không được thực hiện.
Ngày 30.10.2018, UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản số 2207/UBND- TNMT về việc xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, nội dung nêu rõ: Yêu cầu xã Hiền Ninh hoàn thiện hồ sơ, tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm đất đai, trật tự xây dựng của Công ty TNHH Giang Phan, và xong trước ngày 20.11.2018. Thế nhưng cho đến nay, hơn 10 năm nay nhà xưởng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Mới đây 18.11.2021, UBND xã đã có văn bản đề nghị công ty dừng hoạt động sản xuất và khắc phục tự tháo dỡ công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Nhưng ghi nhận của PV Lao Động những ngày gần đây cho thấy công ty này vẫn hoạt động bình thường. Dường như các biên bản, quyết định, văn bản của cấp chính quyền xã Hiền Ninh và huyện Sóc Sơn được ban hành cho có, còn nhà xưởng trái phép trên đất rừng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Việc vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận người dân địa phương, mới đây, một công trình khác xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ tại thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn của ông Ngô Minh Phúc lại “vô tư” mọc lên. Công trình vi phạm có tổng diện tích là 4.054m2 (trong đó diện tích xây dựng là 357,07m2).
Ngày 8.9.2021, UBND xã Hiền Ninh có Biên bản số 24/BB-VPHC về vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với công trình xây dựng của ông Phúc. Theo đó, Biên bản yêu cầu chủ công trình khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Ngày 14.9.2021, UBND huyện Sóc Sơn ra Quyết định số 3732/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, chủ công trình không thực hiện tháo dỡ và trả lại hiện trạng. Ngày 8.10.2021, UBND huyện Sóc Sơn đã ra Quyết định số 4290/QĐ-CCXP về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Phải đến tận ngày 9.11.2021 UBND xã Hiền Ninh mới tổ chức cưỡng chế xong.
Cũng trên địa bàn xã Hiền Ninh, tại thôn Gò Chai, Ninh Môn và một phần giáp ranh với xã Quang Tiến xuất hiện nhiều tình trạng phân lô để xây dựng homestay, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng. Nhiều công trình cũ đã quây tôn bên ngoài để xây dựng thêm hoặc sửa lại, còn một số nhà hàng khác xây dựng trên đất lâm nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động. Điển hình là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hanh. Hiện nay UBND xã Hiền Ninh đã lên kế hoạch để cưỡng chế nhưng chưa rõ thời gian cụ thể.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Việt – Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) – thừa nhận những vi phạm xảy ra trên địa bàn. Trước việc chưa xử lý dứt điểm, vị lãnh đạo này luôn miệng tìm lý do để trốn trách nhiệm của mình.
Trong năm 2021, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội có Văn bản số 999/VP-ĐT về việc xử lý, khắc phục sau thanh tra về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương thực hiện dứt điểm việc xử lý khắc phục sau thanh tra về cấp GCNQSDĐ ở trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn, báo cáo kết quả về UBND thành phố. Trước đó Thanh tra Chính phủ và Thanh tra thành phố đã ban hành các kết luận về hàng trăm trường hợp cấp GCNQSDĐ không đúng đối tượng, không đúng quy định, vượt hạn mức và nằm trong quy hoạch rừng xảy ra tại huyện Sóc Sơn. N.P.V |