Giới khoa học dự đoán lượng rác thải nhựa biển sẽ nhiều hơn cá vào năm 2050, đây là chỉ dấu báo hiệu cuộc khủng hoảng môi trường biển đang lan rộng trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Quỹ Ellen MacArthur, Đại học Oxford, Đại học Leeds và Tổ chức Common Seas được công bố giữa năm 2020, thế giới chuẩn bị chứng kiến sự gia tăng trầm trọng rác thải nhựa đại dương.
Dự báo, khối lượng rác thải nhựa trên biển sẽ tăng thêm 3 lần vào năm 2040. Năm 2050, lượng rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá đại dương trên toàn thế giới.
Đây là thống kê báo động viễn cảnh đen tối cho tương lai nhân loại cùng hệ sinh thái biển, đặt hàng chục nghìn loài sinh vật đang sinh tồn dưới lòng nước sâu đứng trước bờ vực diệt vong.
Báo động ô nhiễm biển
Một chiếc xe chở theo hàng tấn rác thải, với mùi thối rữa nghi ngút đang tiến gần đến bến thuyền. Chiếc xe dừng lại, bắt đầu lùi vào bãi. Tiếng “bíp, bíp” kêu lên. Khi cửa sau của xe mở ra, một loạt những ống hút, cốc nhựa, chai lọ, túi mua sắm, phao câu cá, lưới được trút như mưa xuống một con tàu đậu sẵn ở đó.
Chỉ vài phút sau, ngồn ngộn rác thải nhựa sẽ được chở thẳng ra biển, nơi rác chuẩn bị khởi đầu hành trình đầu độc môi trường biển, khiến chuỗi thức ăn thủy sinh bị ô nhiễm.
Chiếc xe tải rời đi, nhường chỗ cho một chiếc khác xuất hiện. Dòng xe tải chở rác như dài vô tận, mỗi chiếc lại đang chờ để trút bỏ đống rác thải của riêng mình.
Mỗi năm, thế giới chứng kiến 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra biển. Theo dự báo, khối lượng rác nhựa phủ khắp đại dương sẽ tăng lên gấp đôi sau 10 năm, gấp ba sau 20 năm, và nhiều hơn khối lượng cá biển toàn cầu trong 30 năm nữa.
Một trong những đặc điểm khiến nhựa trở thành ám ảnh của biển cả, đó là tính khó phân hủy. Hai thập kỷ trước, một chiếc tàu lặn ở biển sâu đã tiến vào Rãnh Mariana, nơi sâu nhất của đại dương (độ sâu 10.988m). Chiếc tàu ấy đã tìm thấy một chiếc túi nilon.
Ở vùng nước tối tăm với áp suất lớn nhất, vật liệu nhựa vẫn tồn tại. Chúng sẽ mất từ 400 đến 1.000 năm để tan rã.
Trên bề mặt đại dương, rác thải nhựa tạo thành những đảo ô nhiễm lớn. Great Pacific Garbage Patch, khu vực ở Thái Bình Dương giữa California và Hawaii, đang tồn tại đảo rác thải có diện tích khoảng 1,6 triệu km vuông – con số diện tích lớn gấp đôi bang Texas (Mỹ), hoặc gấp ba lần nước Pháp.
Đảo rác thải Great Pacific có thể khiến nhiều người ngạc nhiên với quy mô và khối lượng rác, nhưng nó được hình thành từ những mảnh nhựa riêng lẻ tích tụ trong lòng đại dương, xuất phát từ những chiếc xe tải đổ rác xuống biển, hay từ những du khách hờ hững vứt chiếc cốc nhựa từ trên du thuyền khi đang tham gia chuyến du lịch xa xỉ.
Nói cách khác, khối lượng nhựa khủng khiếp đang trôi nổi trên đại dương là kết quả từ những hành động nhỏ nhặt của con người.
Khi theo dõi hành trình của nhựa đến đại dương, chúng ta có thể thấy thói quen thường ngày của con người có thể mang lại sự thay đổi trên biển như thế nào.
Thảm họa môi trường
Trước khi rác thải nhựa trôi ra biển rồi chìm xuống đáy đại dương, nó sẽ được lắng đọng ở đâu đó dọc bờ biển. 13 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra biển, tương ứng với hàng tỷ tỷ miếng nhựa rải rác được con người thải ra, đang chực chờ hòa nhập vào lòng biển.
Nhựa không chỉ phá hủy môi trường, gián tiếp tiêu diệt hàng nghìn loài động thực vật biển, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Theo Hakai Magazine, từ chu trình sản xuất, đến khâu sử dụng và thải bỏ nhựa đều có thể sản sinh ra khí thải hóa học có thể gây ra rối loạn hormone và ung thư ở loài người.
Theo nghiên cứu của Deloitte, hàng năm có tới 1 triệu con chim biển và 100.000 rùa biển cùng các loài động vật có vú đã chết sau khi ăn phải đồ nhựa, hoặc bị mắc kẹt trong các bãi rác thải nhựa chìm nổi ở đại dương.
Đầu năm 2019, một con cá voi chết dạt vào đảo Mindanao (Philippines). Khi mổ bụng cá, các nhà sinh vật học tìm thấy 40 kg rác thải nhựa, gồm ao bố đựng gạo, túi mua thực phẩm ở siêu thị, túi bọc quả ở các trang trại trồng chuối và nhiều loại rác sinh hoạt khác. Cá voi chết thảm vì không thể tiêu hóa khối rác thải nhựa khổng lồ ấy.
Nhựa cũng làm tê liệt san hô. Các rạn san hô khỏe mạnh là vườn ươm của thế giới dưới nước, nuôi dưỡng nhiều sinh vật biển. San hô bảo vệ hơn 150.000 km bờ biển ở 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, bảo vệ an toàn cho các cộng đồng ven biển khỏi thiên tai.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy, khi san hô tiếp xúc với nhựa, khả năng mắc bệnh sẽ tăng từ 4% đến 90%.
Xuất phát từ rác thải nhựa trên biển, các hạt vi nhựa với đường kính dưới 5mm cũng đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người cùng nhiều loài sinh vật biển.
Hạt vi nhựa tồn tại ở khắp mọi nơi: trong lòng đại dương, trong tuyết Bắc Cực và băng Nam Cực, trong động vật có vỏ, muối ăn, nước uống và bia, và trôi trong không khí hoặc rơi theo mưa trên các ngọn núi và thành phố.
“Chúng bay trong gió, hòa trong cát biển, và có cả trong cơ thể người”, National Geographic nhận xét về hạt vi nhựa.
Năm 2017, một nghiên cứu tại Đại học King ở London chỉ ra rằng theo thời gian, việc hạt vi nhựa tích lũy trong cơ thể người có thể tạo ra độc tố. Các loại nhựa khác nhau có đặc tính độc hại khác nhau.
Xem xét tác động của việc ăn hải sản bị nhiễm vi nhựa, các nhà nghiên cứu từ John Hopkins cho rằng nhựa tích tụ có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch và phá vỡ sự cân bằng của ruột. Động vật biển chết khi ăn phải đồ nhựa, và con người sẽ chịu ảnh hưởng khi ăn phải những loài động vật đã có vi nhựa trong cơ thể trước đó.
Sinh vật biển hay con người đều là thành phần của chuỗi thức ăn. Rác thải nhựa phá hoại chuỗi thức ăn nói trên với những tác động khôn lường về mặt sinh học, hóa học.
Hàng tấn rác thải trôi nổi trên đại dương đang đặt Trái đất đứng trước thảm họa môi trường trong tương lai rất gần. Khi rác thải nhiều hơn cá, sinh kế của hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Hành động trước khi quá muộn
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank), rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất.
Ellen McRaye là nhà sinh vật học biển ở Belize, nơi du khách đến để lặn với ống thở và bình dưỡng khí để chiêm ngưỡng Blue Hole – rặng san hô lớn nhất ở Tây Bán cầu. 40 năm qua, Ellen đã chứng kiến sự biến mất của nhiều loài cá, cùng các khu rừng ngập mặn lọc chất ô nhiễm.
Nguyên nhân đến từ việc phát triển du lịch không bền vững cùng các hoạt động khác, như đánh bắt hải sản quá mức hoặc đổ nước thải chưa qua xử lý vào các vườn ươm rạn san hô.
Thông qua các sự kiện hành động của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ellen cùng các tình nguyện viên tại Belize đã sử dụng một chiếc thuyền nhỏ để giáo dục, truyền thông cho du khách các kiến thức để phát triển du lịch bền vững.
Nhóm tình nguyện của Ellen cũng chăm sóc các vườn ươm cây ngập mặn trong khu bảo tồn biển, rồi dọn dẹp rác thải biển để ngăn chúng giết chết các cây con.
Các hành động tình nguyện tuy nhỏ, nhưng có thể tạo ra tác động lớn. Ở Lebanon, hàng trăm thanh niên đã chung tay góp sức để dọn dẹp bờ biển, thu gom những rác thải nhựa không thể tái sử dụng.
Ẩn mình trong thung lũng sông Terelj, vườn quốc gia Gorkhi-Terelj là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của Mông Cổ. Năm 2020, công viên đón 140.000 lượt khách du lịch. Trong mùa cao điểm, các nhân viên kiểm lâm của công viên đã dọn dẹp 4 tấn rác thải mỗi ngày.
UNDP và ban quản lý công viên đang thử nghiệm cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết vấn đề. Họ hợp tác với Nhóm hiểu biết về hành vi con người (BIT) có trụ sở tại Úc, nhằm tìm cách “thúc đẩy” hành vi tích cực để ngăn chặn ô nhiễm nhựa và xả rác tại các điểm chính trong suốt hành trình của du khách trong công viên.
Ngoài ra, cuộc chiến giảm rác thải nhựa đại dương không chỉ diễn ra ở trên biển. Theo thống kê của UNDP, đến năm 2030, hai phần ba số người trên thế giới sẽ sống ở các thành phố. Hầu hết các siêu đô thị trên thế giới đều nằm gần đường bờ biển và đồng bằng sông.
Với dân số toàn cầu có thể cán mốc đạt 9,7 tỷ người trong ba thập kỷ tới, các thành phố sẽ là chiến trường để loài người chiến thắng cơn ác mộng ô nhiễm nhựa. Đưa vấn đề rác thải nhựa vào giảng dạy ở trường học, lồng ghép vào các hoạt động cộng đồng để thay đổi nhận thức,… là những nước đi có ý nghĩa bền vững, lâu dài.
Những hành động bảo vệ môi trường đang được thúc đẩy ở khắp mọi nơi trên thế giới. Việt Nam, quốc gia có 3.260 km đường bờ biển cũng đang tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để thực hiện các chương trình hành động, chính sách,… nhằm giảm ô nhiễm nhựa.
Loài người cần bảo vệ môi trường trước khi quá muộn. Những hành động dù nhỏ hôm nay, song có thể để lại tác động lớn trong tương lai không xa. Tác động ấy tích cực hay tiêu cực, là phụ thuộc vào chính chúng ta.