Theo các chuyên gia giao thông, cần khuyến khích sử dụng phương tiện nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường để từng bước thay thế nguyên liệu truyền thống. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Hạn chế phương tiện cá nhân
Từ ngày 12/11 đến 30/11, Hà Nội triển khai chương trình “Xe sạch – Trời xanh” thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí chính thức được khởi động.
Theo số liệu của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn – Thay mặt các đơn vị tổ chức chương trình), tính đến 9h ngày 22/11/2021, chương trình hiện đã có 1.451 xe máy đã tham gia đo kiểm khí thải.
Kết quả, căn cứ vào mức 1 trong tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam TCVN 6438:2018 cho thấy, chỉ 51,07% trong số 1451 xe máy đã tham gia đo kiểm khí thải đạt tiêu chuẩn ở lần đo kiểm thứ nhất; 74,92% xe máy đạt tiêu chuẩn trong số xe sau khi được bảo dưỡng (lần đo sau bảo dưỡng); 82,36% xe đạt tiêu chuẩn sau 2 lần đo kiểm.
Đề cập đến chương trình “Thí điểm đo kiểm khí thải xe ô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP.Hà Nội”, nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút được người dân tham gia chương trình, các đơn vị chức năng cần giảm bớt các thủ tục liên quan đến việc hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới như: không giới hạn địa phương đăng ký, thời gian đăng ký lần đầu… Bởi một lượng phương tiện cũ nát đang lưu hành trên địa bàn TP từ các địa phương khác về. Ngoài ra, Nhà nước cần xem xét tăng kinh phí hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới để khuyến khích người dân tích cực tham gia.
TS Nguyễn Văn Chiến – Viện Chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ GTVT cho rằng, việc các đơn vị chức năng thí điểm đo khí thải xe máy, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới là điều rất cần thiết, đáng hoan nghênh. Song, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra, chúng ta cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới… để khuyến khích người dân thay thế phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho rằng, cùng với việc giám sát lượng khí thải phát sinh, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường… các đơn vị chức năng cần xem xét đánh thuế môi trường cả xe ô tô và xe máy. Trong đó, cần quy định rõ, những phương tiện đã sử dụng từ 5 năm trở lên phải nộp thuế và cứ sau 1 năm thuế này lại tăng lên.
Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đều cho rằng, ngoài các biện pháp kể trên, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp ưu tiên, khuyến khích sử dụng các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như xe điện, xe khí đốt hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng… để từng bước thay thế các nguyên liệu truyền thống. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển các loại phương tiện này để thu hút người dân sử dụng, từng bước hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân theo các mục tiêu đã đề ra.
Cơ sở hoàn thiện các giải pháp cải thiện không khí
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố…
Trước thông tin từ ngày 12-30/11/2021 Hà Nội sẽ triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, hướng tới “giao thông xanh,” ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô.
Việc đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới cũng là cơ hội để đánh giá hiệu quả các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giao thông; Cung cấp thông tin thực tiễn để xây dựng chính sách, quy chuẩn khí thải và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường không khí.
Đặc biệt, kết quả của hoạt động đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội là căn cứ rất quan trọng để Bộ TN&MT, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường đáng quan tâm hiện nay. Trong đó, hoạt động giao thông vận tải là một nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các thành phố lớn.
Tại Hà Nội và TP.HCM, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng. Mặc dù, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng hydrocarbure; 87% lượng cacbon monoxit; 57% lượng Oxit nito trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Do đó, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho rằng giải pháp cần thiết để thúc đẩy “giao thông xanh mang lại bầu không khí sạch” là thường xuyên bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đồng thời thay thế xe cũ không còn đảm bảo về an toàn giao thông và nồng độ khí thải theo quy chuẩn.
Theo Bộ Công an, có 5 nguyên nhân làm gia tăng khí thải từ xe cộ làm ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị, bao gồm:
1. Số lượng xe cá nhân, nhất là mô tô chạy động cơ xăng tăng nhanh và không kiểm soát về khí khải khi hoạt động. 2. Các ô tô, nhất là ô tô cá nhân tăng, nhưng phần lớn tiêu chuẩn về khí thải chỉ đạt mức tối thiểu để giảm giá bán. 3. Công cụ kiểm soát khí thải từ giá xăng, dầu chưa hiệu quả, kiểm soát khí thải từ đăng kiểm chỉ có chỉ số đạt hay không đạt dẫn đến thiếu kích thích chủ xe nâng cao chất lượng phương tiện của mình. 4. Chính sách thuế, phí liên quan đến phương tiện vẫn áp dụng chung, không có chính sách ưu tiên phương tiện giảm ô nhiễm không khí, phương tiện thân thiện với môi trường để kích thích sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ xe. 5. Việc hạn chế phương tiện cá nhân một số địa phương đã đưa ra phương án, nhưng tính thực thi rất khó, phụ thuộc nhiều vào sự phát triển phương tiện công cộng, việc quy hoạch và phát triển đô thị. Vì vậy, với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đề ra trong giai đoạn 2021-2025, khả năng cao ở nước ta sẽ bùng nổ phương tiện ô tô cá nhân và xu hướng chuyển từ mô tô sang ô tô sẽ nhanh chóng, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng và ảnh hưởng đến môi trường. |