Là loài vật linh thiêng ở quốc gia có tới 70% dân số theo đạo Phật, tưởng chừng voi sẽ không phải đối mặt với bất cứ áp lực nào cả từ bên ngoài và nội tại Sri Lanka. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sự việc đau lòng xảy ra với loài vật được người dân tôn kính mà thủ phạm không ai khác lại chính là những người nông dân hàng ngày chung sống gần voi với công cụ sát thương là những quả bom mồi tự chế.
Sri Lanka hiện có khoảng 200 cá thể voi được thuần hóa và gần 7.500 cá thể hoang dã, trong đó toàn bộ số voi nhà được đăng ký, giám sát, kiểm tra y tế chặt chẽ, đồng thời giới hạn giờ làm việc cũng như áp dụng các phúc lợi đối với voi. Tuy nhiên, với các cá thể hoang dã, trong vòng ba năm gần đây, có hơn 200 vụ giết voi xảy ra mỗi năm. Riêng năm 2019, cả nước thống kê được 361 trường hợp voi chết với 85% số vụ có thể do hoạt động của con người. Các cộng đồng thường sử dụng chất độc và chất nổ được nhét vào thức ăn để săn thú rừng hoặc giết các loài động vật phá hoại mùa màng bao gồm voi, trong đó việc sử dụng chất nổ để chế thành những quả “bom thức ăn” (hay còn gọi là bom mồi, bom hàm hoặc theo tên địa phương là hakka patas) ngày càng phổ biến. Bom sẽ phát nổ ngay khi động vật lỡ cắn phải. Năm 2020, có tới 54 trong tổng số 323 trường hợp voi chết do hakka patas, chiếm 16,7%.
Theo nhân viên Cục bảo tồn động vật hoang dã (DWC), vấn nạn hakka patas chỉ được quan tâm khi có các báo cáo về vụ việc voi bị giết, trong đó vụ voi bị chết bởi bom mồi đầu tiên được ghi nhận vào năm 2008.
Hakka patas được chế tạo khá đơn giản, chỉ cần một ít thuốc súng trộn với sỏi và mảnh vụn kim loại, sau đó nhồi vào thức ăn gia súc và đặt ở những khu vực động vật thường đi qua. Tại một số địa phương, bom mồi được làm sẵn và bán với giá 1.500 rupees, tương đương hơn 450.000 đồng. Một trong những thành phần chính để chế tạo bom mồi là pháo nổ – vật liệu phổ biến, thường được người dân dùng vào tháng 4 để chào đón lễ hội năm mới Sinhala-Hindu. Dân làng thường giữ lại một vài gói pháo để xua đuổi voi và động vật hoang dã phá hoại mùa màng nên ai cũng có thể chế hakka patas hoặc mua chúng dễ dàng.
Thực ra mục tiêu chính của hakka patas là lợn rừng và các loài thú hoang để lấy thịt. Với những động vật lớn như voi, bom mồi không làm voi chết ngay lập tức nhưng khiến chúng bị thương nặng vùng miệng và chết vì nhiễm trùng hoặc đói sau đó. Điểm nóng của việc sử dụng hakka patas nhắm vào loài voi nằm ở Anuradhapura thuộc tỉnh Bắc Trung Bộ Sri Lanka và các vùng thuộc tỉnh miền Đông, trong đó vùng đất Galgamuwa ở Anuradhapura đặc biệt nổi tiếng với quần thể voi đông đúc.
Theo một thợ săn chuyên nghiệp tại Galgamuwa, phương pháp bom mồi được anh và các thợ săn sử dụng từ 10 năm trước, thường đặt ở bìa rừng cạnh làng, trong đó bom sẽ được bọc cá khô để nhử lợn rừng và các loài thú khác nhưng đôi khi voi cũng vô tình ăn phải khiến chúng chết trong đau đớn. Trước đó, họ thường dùng súng đi săn thú, nhưng sau khi được dạy cách làm hakka patas thì chuyển sang vật liệu tự chế này. Dù vậy, không ít thợ săn đã phải trả giá trong quá trình nhồi chất nổ làm hakka patas. Nhiều nông dân tìm đến thợ săn mua hakka patas để bảo vệ mùa màng, trong đó một vài người chủ ý nhắm vào voi để trả thù những tổn thất mà chúng gây ra với bom mồi nhắm tới voi thường là một quả bí đỏ.
Tháng 9 năm ngoái, tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Vườn quốc gia Masgawuma – một trong những khu bảo tồn lớn nhất Sri Lanka, một chú voi con cũng là nạn nhân của bom mồi. Họ phát hiện miệng chú sưng tấy với nhiều vết thương nghiệm trọng và chú đã chết ngay ngày hôm sau do không thể ăn uống. Trước đó, vào năm 2016, dân làng từng chứng kiến cái chết thương tâm của một cậu bé 10 tuổi do lỡ cầm nhầm bom mồi trong lúc chơi. Điều đáng ngại là quanh khu vực vườn, thị trường thịt thú rừng đang phát triển mạnh và là nguồn thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở các ngôi làng lân cận.
Trước những cái chết tức tưởi của voi và nhiều loài động vật, Tổ chức WCS Sri Lanka đã điều tra và phát hiện một số nông dân gần Masgawuma bắt đầu sử dụng bom mồi từ tháng 6 – 7/2020. Nhóm dự án hợp tác chặt chẽ với dân làng nhằm giúp giảm thiểu xung đột người – voi, đồng thời cố gắng xác định thủ phạm và nâng cao nhận thức cho người dân. Tuy nhiên, ngày càng nhiều voi trở thành nạn nhân của mồi nổ. Và càng đáng ngại hơn khi bột thuốc súng tại Sri Lanka đang được buôn bán thông qua các mạng lưới ngầm, trong đó hoạt động sản xuất hakka patas bị nghi ngờ liên quan đến những nhà máy sản xuất pháo. Tuy chưa có bằng chứng xác thực nhưng nhiều nhà bảo tồn ngờ rằng tỉ lệ thất nghiệp gia tăng trong ngành sản xuất pháo do ảnh hưởng từ Covid-19 có thể dẫn tới tình trạng công nhân dần chuyển sang làm hakka patas. Vì vậy, hoạt động này cần được giám sát chặt và các hành vi vi phạm cần được xử lý nghiêm.
Minh Anh (Theo Mongabay)