Nhân giống tầm gửi bản địa Úc để cứu loài chim đặc hữu

Phân bố trải dài từ Đông Nam Queensland tới Victoria nhưng loài chim hút mật regent của Úc (Anthochaera phrygia) đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp do chỉ còn chưa đầy 350 cá thể, thậm chí đà suy giảm tiếp tục kéo dài. Để cứu loài đặc hữu này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các nhà bảo tồn đang dốc sức thực hiện dự án nhân giống cây tầm gửi bản địa nhằm cung cấp thức ăn và nơi làm tổ cho chim, giúp chúng sinh sản ổn định trong tương lai.

Những chú chim regent trưởng thành thường hót để gọi bạn tình và truyền dạy khả năng này cho những con non, song số lượng loài đang suy giảm tới mức khả năng này dần bị mai một.

Kristy Peters, cán bộ dự án Birdlife Australia cho biết: “Với chim hút mật regent, cá thể đực sống đơn độc sẽ rất khó tìm bạn tình. Vì vậy, trước khi rời tổ, chúng sẽ tìm và học tiếng hót gọi bạn từ các cá thể trưởng thành. Tuy nhiên, với tình trạng suy giảm số lượng nghiêm trọng như hiện nay, chim đực con không còn được học những giai điệu đó nữa. Chúng chuyển sang bắt chước tiếng hót của các loài chim khác như red wattlebirds (Anthochaera carunculata) hay noisy friarbirds (Philemon corniculatus), nhưng chim cái không bị thu hút bởi những tiếng hót này khiến tỉ lệ giao phối thành công thấp… và chim non cũng không được truyền lại giọng hót đặc trưng trước khi rời tổ”.

Thế giới chỉ còn chưa đầy 350 cá thể chim hút mật regent (Anthochaera phrygia). Ảnh: ANU

Nhằm cứu loài chim quý, BirdLife Australia phối hợp với Tổ chức Mindaribba Local Aboriginal Council cùng các nhóm bảo vệ đất tại địa phương tiến hành cấy ít nhất 1.000 hạt tầm gửi (Dendrophthoe vitellina) vào cây chủ trong rừng Kurri Kurri và Cesnock thuộc New South Wales, với hy vọng số lượng lớn chim hút mật regent sẽ quay trở lại làm tổ và sinh sản.

Dự án được xây dựng dựa trên mô thử nghiệm tại Melbourne – nơi đã cấy 800 hạt tầm gửi vào cây trồng đô thị để cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho các loài chim cùng thú có túi. Từ năm 2019, nhóm của Peters đã thử nghiệm phương pháp cấy hạt và đạt một số thành công trong việc ươm mầm. Tới nay, nhóm vẫn nỗ lực trồng nhiều tầm gửi để hỗ trợ môi trường sống trong khu vực từng bị cháy rừng.

Úc hiện có gần 100 loài tầm gửi, tất cả đều là bản địa, lá giống lá bạch đàn. Khi được cấy và sinh trưởng trên cây chủ, chúng sẽ mang lại mật hoa, quả và những tán cây rậm rạp cho chim cùng động vật làm tổ. Tầm gửi có thể ra hoa quanh năm nếu không bị khô hạn.

Tầm gửi long-flowered mistletoe (Dendrophthoe vitellina) (Ảnh: Carly Earl/The Guardian)

Mùa hè tới, nhóm dự kiến trở lại thung lũng Huneter để chọn và trồng tầm gửi. Huneter vốn chịu ảnh hưởng nặng từ những trận cháy rừng từ năm 2015 khiến nhiều loài thực vật không thể ra hoa theo mùa. Do đó, việc phục hồi sinh cảnh khu vực vô cùng cấp thiết.

Tầm gửi có thể tái sinh tự nhiên nhờ sự phát tán của các loài chim nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để chim hút mật có thể sinh sản trở lại. Tuy nhiên, với cách ươm gieo tầm gửi, chỉ sau 3-4 năm là cây có thể trở thành môi trường sống cho chim.

Mick Roderick và Kristy Peters từ Birdlife Australia. Ảnh: Carly Earl / The Guardian

Hiện dự án đang tập huấn cho các tình nguyện viên cách thu hạt từ quả tầm gửi để chuẩn bị ươm gieo vào các khu vực bị cháy. “Tình nguyện viên sẽ giúp chúng tôi gieo hạt ở tán rừng thấp nhưng điều này không giúp ích nhiều cho loài chim quý vì chúng chỉ sử dụng những dải tầm gửi mọc trên cao. Vì vậy, để cấy hạt vào tán cây, chúng tôi cần những chuyên gia nhân ghép giống”.

Chim regent không ăn quả nhưng rất thích hoa và mật của những loài hoa dạng ống. Cây tầm gửi bản địa mọc nhiều nhưng khi ra quả, chúng thường có vòng đời ngắn nên cần được trồng lại ngay lập tức.

Mục đích của dự án còn hướng đến việc giúp người dân nắm được cách gieo hạt bởi tầm gửi bản địa có vai trò quan trọng trong đời sống của nhiều loài muông thú.

Tháng trước, khi những bông hoa tầm gửi chớm nở, Peters và nhóm dự án đã thả 58 cá thể chim hút mật đầu tiên tại rừng Kurri Kurri và Cesnock. Nhờ thiết bị phát sóng vô tuyến, nhóm có thể quan sát quá trình chim kết đôi, xây tổ và dạy chim non những tiếng hót đặc trưng của loài.

Peters hy vọng những cá thể chim non sẽ thích nghi tốt với môi trường đang dần được hồi phục và ngày càng có nhiều cá thể trưởng thành quay trở lại trong những năm tiếp theo.

Minh Anh (Theo The Guardian)

Nguồn: