Cái nóng thiêu đốt phủ khắp bề mặt Trái Đất khiến hàng triệu người và động vật thiệt mạng vì nắng nóng và sốc nhiệt. Nếu nhiệt độ không được kiểm soát thì hơn 3 tỉ người trên thế giới sẽ “chết nóng” trong vòng 50 năm tới.
Sóng nhiệt gây chết người không kém một đại dịch khổng lồ
Theo dự thảo báo cáo dài 4.000 trang của Ủy ban liên Chính phủ về biển đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc, đây là khung cảnh về mối đe dọa từ các sóng nhiệt có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần nếu không được kiểm soát.
Những mô hình dự báo ban đầu cho rằng, tình trạng ô nhiễm carbon không kiểm soát phải mất gần một thế kỉ nữa để biến đổi khí hậu đến mức các đợt nóng vượt ngưỡng chịu đựng của con người. Tuy nhiên, dự báo mới cho rằng các sóng nhiệt gây chết người có thể diễn ra sớm hơn nhiều.
Theo đó, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cao hơn 0,4 độ so với hiện nay. Khoảng 14% dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng theo chu kỳ 5 năm và mức độ dữ dội cao hơn nhiều so với hiện nay.
Thêm 1,7 tỉ người sẽ chịu ảnh hưởng nếu mức tăng chạm ngưỡng 2 độ C. Chịu tác động nặng nhất sẽ là các đại đô thị ở những nước đang phát triển, từ Karachi đến Kinshasa, Manila đến Mumbai, Lagos đến Manaus.
Không chỉ mức tăng nhiệt độ gây hại, các sóng nhiệt sẽ càng nguy hiểm khi kết hợp với độ ẩm cao. Nói cách khác, nền nhiệt cao và độ ẩm thấp sẽ dễ sinh tồn hơn mức nhiệt thấp hơn nhưng đi kèm độ ẩm cao. Điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao này được gọi là nhiệt độ cầu ướt (TW).
Giới chuyên gia cho rằng người trưởng thành khỏe mạnh không thể sinh tồn nếu nhiệt độ cầu ướt vượt mức 35 độ C, ngay cả khi luôn ở trong bóng mát và có nguồn tiếp nước không giới hạn.
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy mức độ nguy hiểm của nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng thấp hơn nhiều so với mức 35 độ C, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Nghiên cứu của Viện Đánh giá và Chỉ số sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ cho thấy hơn 300.000 người đã chết vì những lý do liên quan đến nắng nóng trên toàn thế giới trong năm 2019.
Khoảng 37% trong số này, tương đương 100.000 ca tử vong, có thể liên quan đến sự nóng lên toàn cầu, theo nhóm nghiên cứu tại Trường Vệ sinh và Y khoa nhiệt đới London có trụ sở tại Anh. Tỉ lệ này là trên 60% ở một số nước như Brazil, Peru, Colombia, Philippines, Kuwait và Guatemala… Phần lớn những ca tử vong trên có thể bắt nguồn từ sốc nhiệt, trụy tim và mất nước vì đổ mồ hôi quá nhiều, trong đó nhiều cái chết có thể được ngăn chặn.
Khu vực châu Phi hạ Sahara rất dễ tổn thương trước các đợt sóng nhiệt, chủ yếu bởi đây là vùng ít được chuẩn bị để ứng phó với khí hậu cực đoan. Khu vực Trung Á và miền Trung Trung Quốc có thể đối mặt với nhiệt độ cầu ướt cực đoan và nguy cơ sóng nhiệt vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người, báo cáo của IPCC cảnh báo.
Địa Trung Hải cũng là khu vực sẽ phải đối mặt với những đợt nóng chết người. “Khoảng 200 triệu người ở châu Âu sẽ gặp nguy cơ cao vào giữa thế kỉ 21 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C trước năm 2100”, báo cáo có đoạn viết.
Hơn 3 tỷ người trên thế giới sẽ “chết nóng” trong vòng 50 năm tới
Thông tin trên vừa được nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm các nhà khảo cổ học, nhà sinh thái học và nhà khoa học khí hậu từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Theo CNN, trong hàng ngàn năm, con người đã sống trong môi trường có mức nhiệt độ trung bình phù hợp để phát triển xã hội, trồng cây lương thực và chăn nuôi gia súc. Nhưng trong tương lai gần, nhiệt độ Trái Đất tăng lên sẽ khiến môi trường biến đổi nhanh chóng. Nhiều nơi sẽ trở nên quá nóng, vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng Trái Đất ngày càng trở nên nóng hơn vì hiệu ứng nhà kính. Theo kịch bản, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng, nhiệt độ tại các khu vực có người sinh sống sẽ tăng 7,5 độ C vào năm 2070. Con số đó cao hơn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến là hơn 3 độ C. Nguyên nhân do đất liền sẽ nóng nhanh hơn nhiều so với đại dương, thêm vào đó, sự gia tăng dân số thiên về những nơi vốn đã nóng từ trước.
Với tốc độ như hiện nay, đến năm 2070, 19% diện tích đất đai trên toàn cầu trở nên nóng quá mức, hơn 3 tỉ người sẽ sống ở môi trường nóng hơn nhiều so với môi trường mà con người từng sống suốt 6.000 năm qua. Trong đó có các khu vực như Cận Sahara, Nam Mỹ, Ấn Độ, Đông Nam Á, bán đảo Ả Rập, Australia.
Ngoài ra, cứ 1 độ C nhiệt gia tăng, sẽ có 1 tỉ người hoặc phải chuyển đến nơi mát mẻ hơn, hoặc phải tìm cách tự thích nghi với cái nóng. Theo Tim Kohler, nhà khảo cổ học từ Đại học Washington và cũng là đồng tác giả nghiên cứu, đây có thể xem là tình cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra, nếu chúng ta không sớm thay đổi.
Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn đó. Các chuyên gia cho biết, việc giảm thiểu lượng khí thải carbon có thể giúp giảm phân nửa số người chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, nghiên cứu còn một số dữ kiện không chắc chắn về mặt khí hậu, nên cũng không thể dự báo chính xác khả năng di cư của loài người trong tương lai.
Hơn nữa, số liệu được đưa ra có thể nói là viễn cảnh tồi tệ nhất. Nếu xét thêm các yếu tố về chính trị, công nghệ và tình hình kinh tế – xã hội, mọi thứ có thể sẽ khác.
“Viễn cảnh tồi tệ nhất có thể tránh được nếu các quốc gia cắt giảm hiệu quả khí thải nhà kính. Các quốc gia cũng cần có các biện pháp hiệu quả đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống xã hội”, nhà nghiên cứu Chi Xu cho biết.