Từ việc thu gom rác thải đại dương để gây quỹ từ thiện, chàng ngư dân trẻ ở Huế nảy ra ý tưởng làm thuyền chống lụt cho người nghèo từ phế liệu.
Về vùng biển Thuận An (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) hỏi anh Trương Văn Cường ai cũng biết vì nhiều năm qua, anh nổi tiếng với hoạt động thu gom rác thải biển để bán gây quỹ từ thiện cho người nghèo. Ngoài ra, chàng ngư dân này cũng nổi tiếng khi là người khá thấu hiểu về sinh thái biển và từng được công nhận là ngư dân trẻ tiêu biểu.
Hai năm trước, khi ra khơi, anh Cường thấy lượng rác thải xả ra biển khá lớn, trong đó có nhiều loại vỏ chai nhựa, lon bia… nên nảy sinh ý tưởng thu gom chúng lại để vừa bảo vệ biển vừa có thể bán đồng nát tạo quỹ từ thiện cho người nghèo.
Sau một thời gian, anh Cường lên ý tưởng sử dụng tái chế rác thải nhựa thành thuyền chống lụt để tặng người nghèo và qua đó tuyên truyền giúp người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Cứ buông lưới là có 50% rác thải
“Giờ buông lưới có nhiều tôm cá như trước nữa mô, cứ 50% là hải sản còn lại 50% là rác. Nhiều chuyến ra khơi, anh em chúng tôi nhặt rác nhiều hơn là cá”, anh Cường tếu táo với giọng Huế đặc sệt.
Theo anh Cường, mấy năm trở lại đây, vấn đề rác thải nhựa trên biển ở Thừa Thiên – Huế có phần giảm nhưng không đáng kể: “Một hai năm nay, tình trạng rác thải nhựa giảm do hiệu ứng từ phong trào chủ nhật xanh do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phát động. Tuy nhiên, nói là giảm nhưng sự thay đổi chưa đáng kể. Nhiều ngư dân vươn khơi bám biển như tôi lo lắng trước cảnh rác thải nhựa tràn lan trên biển”.
Theo anh Cường, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng trên biển Thuận An nói riêng và Thừa Thiên – Huế nói chung chủ yếu là do ý thức của ngư dân sống neo đậu trên biển.
“Ngày nào họ cũng tiện tay rồi xả rác xuống biển thì chẳng bao lâu, mặt biển lại biến thành cái bãi rác. Cứ một hộ dân làm như vậy là những hộ dân khác lại hành động theo. Nhiều khi chứng kiến cảnh này cũng buồn…
Rác thải trên bờ thì có thể xử lý bằng các biện pháp nhanh và dễ dàng hơn như bố trí các thùng rác công cộng tại nhiều khu vực trên bãi biển. Lâu lâu cũng có đoàn này đoàn kia đến dọn rác thì cũng đỡ. Nhưng rác trôi trên biển dọn đến bao giờ mới hết” anh Cường tâm sự.
Anh Cường cho biết thêm, mùa mưa bão, tàu thuyền không ra khơi được thì rác thải không có người thu gom. Nên sau mỗi trận bão lụt, rác trôi vào bờ chất thành đống, nhìn thấy cũng phải rùng mình.
Nhiều khách du lịch về đây tắm biển chưa có ý thức trong việc giữ gìn môi trường chung, xả rác chưa đúng nơi quy định. Nên rác thải trên bờ biển cũng vẫn là vấn đề nan giản.
Nếu cứ tiếp tục để tình trạng này xảy ra thì không thể phát triển du lịch biển, ngư dân cũng giảm đi một nguồn thu đáng kể. Thâm chí, nước biển bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loại hải sản trên biển.
Gây quỹ từ thiện, làm thuyền chống lụt bằng rác biển
Để bảo vệ môi trường biển, cách đây vài năm, anh Cường nảy ra ý tưởng thu gom rác thải trên biển sau đó phân loại để bán đồng nát để gây quỹ cho trẻ em nghèo.
“Ban đầu, tôi cùng anh em trên tàu thu gom và phân loại rác để giữ lấy môi trường biển. Sau này, toàn bộ số lượng ve chai tích góp được sau mỗi chuyến đi biển về đều được bán lấy tiền gây quỹ học bổng cho trẻ em nghèo”, anh Cường chia sẻ.
Anh Cường cũng là người đồng sáng lập và dẫn dắt Câu lạc bộ Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển và triển khai nhiều chương trình ý nghĩa để bảo vệ biển.
“Từ lúc biết tôi thực hiện phong trào thu gom rác thải nhựa trên biển để tái chế và bán ve chai gây quỹ từ thiện, có nhiều dự án của các tổ chức như chương trình Na Uy, chương trình phát triển của Liên hợp quốc muốn hợp tác đẩy mạnh phong trào giải cứu rác thải nhựa trên biển”, anh Cường cho biết.
Anh Lê Hoành Thành – Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Thuận An cho hay: “Hiện nay câu lạc bộ ngư dân trẻ vươn khơi bám biến do anh Cường làm chủ nhiệm với mục đích vừa đảm bảo việc vươn khơi bám biển vừa tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa. Các thành viên thường xuyên thu thập rác thải về nơi tập kết và đoàn phường sẽ tới nhận và bán ve chai để gây quỹ học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó”.
Theo anh Cường, sau nhiều năm thu gom rác thải biển để gây quỹ từ thiện cho người nghèo anh nhận ra nó chưa thực sự đạt hiệu quả cao bởi: “Mình càng thu gom thì họ càng xả”.
Sau nhiều đêm trằn trọc, chàng ngưa dân trẻ nảy ra ý tưởng tái chế rác thải biển thành thuyền chống lụt cho người nghèo và cũng để tuyên tuyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân.
Theo anh: “Không có giải pháp nào tốt hơn việc cải thiện và nâng cao ý thức cho người dân, tuyên truyền thường xuyên các phong trào giữ gìn môi trường biển”.
Sống với biển, anh Cường thấu hiểu nỗi khổ của những người dân mỗi khi mùa bão lụt về. Bốn bề là nước, người có điều kiện sắm được phương tiện di chuyển thì anh mừng nhưng nhiều người dân nghèo còn thiếu cái ăn cái mặc thì lấy đâu ra thuyền bè mà di chuyển.
Mỗi mùa lụt về, nước ngập đến nửa người, nhiều người dân lại rơi vào tình cảnh thân cô thế cô chờ lực lượng cứu hộ đến tiếp tế đồ ăn thức uống. Nghĩ thương dân nghèo, anh càng muốn bản thân mình phải làm một điều gì đó mang cải thiện tình cảnh này.
Anh Cường nhận thấy, rác thải biển chủ yếu là các vật liệu nhẹ và dễ nổi như xốp, chai nhựa, vỏ lon…nên có thể tái chế để thiết kế thành chuyền chống lụt. Lẽ ra anh có thực hiện và hoàn thành ý tưởng trong năm nay nhưng vì một số lý do cá nhân nên anh phải tạm gác lại và sẽ triển khai trong năm tới.
Hiện anh Cường xây dựng xong kế hoạch chi tiết mà cá nhân anh tự tin có thể tự sáng tạo được mô hình thuyền chống lụt. Trước mắt, anh cần thu gom một khối lượng lớn vỏ chai nhựa, bình nước về một khu tập kết để làm sạch. Sau đó, anh sẽ kết dính chúng lại với nhau thành một khối chữ nhật thống nhất bằng cách tận dụng tất cả những vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, sắt.
Theo đánh giá tổng quan của anh Cường, một chiếc thuyền chống lụt khi đưa vào sử dụng có thể chở được tối đa là 3 tạ gồm hàng hóa và người. Người dân có thể yên tâm đi lại và vận chuyển vật dụng một cách dễ dàng mùa nước bão lụt. Hơn thế nữa, các loại nhựa như vỏ chai, bình nước khối lượng từ nửa lít trở nên có độ bền rất cao.
Dù mới chỉ trên ý tưởng nhưng anh Cường tỏ rất tâm huyết với mô hình này vì ý nghĩa đích thực mà nó mang lại. Theo anh, một chuyến đi thu gom rác thải nhựa trên biển sẽ phát huy được 3 chữ ích: “Hữu ích (làm sạch môi trường biển); Lợi ích (bán ve chai thu tiền gây quỹ từ thiện cho trểm nghèo) và Tiện ích (biến rác thải nhựa thành thuyền chống lụt tặng cho dân nghèo)”.
Để triển khai dự án thuyền chống lụt tặng người dân nghèo, anh Cường nhận định sẽ mất vài ba tháng để có thể hoàn thiện. Ngay sau khi có sản phẩm, anh lập tức gửi mô hình thí điểm về tỉnh Đoàn để kiểm duyệt. Sau khi kiểm duyệt, anh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình với số lượng lớn để kịp phục vụ bà con trước khi mùa bão về.