Dù cơ quan chức năng đã kiểm tra và yêu cầu Công ty cổ phần công trình đô thị Gia Lai thu gom toàn bộ nước rỉ rác dẫn về hồ số 1. Tuy nhiên, sự việc đâu vẫn vào đó, nước thải và rác vẫn tiếp tục đổ vào hồ sinh học số 3, biến nơi đây thành hồ chứa rác.
Xử lý vấn đề ô nhiễm trên giấy!
Liên quan đến việc ô nhiễm tại bãi rác xã Gào, TP. Pleiku, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai và UBND TP. Pleiku có văn bản phản hồi những nội dung tác nghiệp của Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Theo 2 văn bản trên, “Ngày 27/9/2021 và ngày 30/9/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Pleiku, UBND xã Gào và Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai kiểm tra thực tế tại Bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Gào, thành phố Pleiku. Bãi chôn lấp chất thải rắn hiện nay tiếp nhận khoảng 165 tấn rác/ngày, được xử lý chôn lấp tại 03 ô chôn lấp. Tuy nhiên các ô chôn lấp đã đầy, ô chôn lấp số 1 đã đóng cửa, san gạt phủ đất trồng cây, nhưng hiện nay do hết vị trí đổ rác, nên rác tiếp tục được đổ lên phía trên. Trên bề mặt ô chôn lấp có nước rỉ rác cộng thêm một phần nước mưa chảy tràn trên bề mặt theo địa hình chảy vào hồ sinh học số 3 (Bãi lọc sinh học).
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Gào, Sở TN&MT và UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai triển khai thực hiện một số nội dung: Thường xuyên khơi thông cống rãnh, củng cố hệ thống mương thoát nước mưa xung quanh bãi rác, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, hạn chế tối đa nước mưa chảy tràn vào các ô chôn lấp dẫn tới quá tải hệ thống xử lý nước thải. Thu gom toàn bộ nước rỉ rác dẫn về hồ số 1 (Hồ kỵ khí) để xử lý theo quy trình (Xử lý bằng 03 hồ sinh học: Qua hồ kỵ khí, hồ hiếu khí tùy tiện và bãi lọc sinh học)”.
Nội dung văn bản phản hồi của Sở TN&MT và UBND TP. Pleiku thể hiện tính quyết liệt trong việc xử lý ô nhiễm tại đây là thế. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV ngày 22/11 (sau gần hai tháng đoàn đi kiểm tra), thực tế ô nhiễm tại đây đang ở mức báo động, không đơn giản như những gì 2 văn bản của Sở TN&MT và UBND TP. Pleiku phản hồi. Nước thải tại đây vẫn tiếp tục được khơi thành dòng, sau đó chảy trực tiếp vào hồ sinh học số 3 mà không được thu gom để dẫn về hồ số 1. Ngoài ra, lượng rác thải từ bãi rác theo dòng nước chảy tràn vào hồ số 3 làm cho nước tại đây có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, rác thải nổi lềnh bềnh, phát sinh nhiều ruồi nhặng.
Cần kiểm tra mẫu nước thải tại hồ số 3
Khi đi kiểm tra thực tế cùng PV tại bãi rác xã Gào vào chiều 27/9, ông Trần Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Gào cho rằng: Nước thải từ bãi rác chưa qua xử lý chảy trực tiếp vào hồ số 3 là không đúng. Theo thiết kế ban đầu, nước chảy vào hồ số 3 phải đảm bảo quy chuẩn và có thể dùng để tưới cây.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 29/9 PV đăng ký làm việc với Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai. Tại đây, bộ phận Văn thư đề nghị PV để lại nội dung làm việc và sẽ trả lời bằng văn bản.
Tuy nhiên gần 2 tháng trôi qua, tòa soạn vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản phản hồi nào từ Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai đối với những nội dung làm việc mà PV đã để lại trước đó. Phía Công ty có đang cố tình “tránh né” phóng viên?
Liệu các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai có vô trách nhiệm hay không khi chỉ xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm trên giấy, mà không kiểm tra, giám sát thực tế việc đơn vị quản lý và vận hành bãi chôn lấp tại bãi rác xã Gào, khi đơn vị này tự ý khơi thông, ngăn dòng để nước, rác thải từ bãi rác chảy ra môi trường xung quanh và đổ vào hồ số 3?
Trước thực trạng nước thải tại bãi rác xã Gào chảy ra môi trường xung quanh vẫn đang diễn ra hằng ngày có nguy cơ ảnh hưởng mạch nước ngầm, làm hủy hoại môi trường.
Đề nghị cơ quan chức năng cần lấy mẫu nước thải tại hồ số 3 để kiểm tra có đạt ngưỡng quy định hay không? Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan trong vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu trên ngay tại đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.