Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040. Trong đó, quy hoạch Hạ Long sẽ lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc; đưa Hạ Long thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ – du lịch quốc gia mang tầm quốc tế.
Trong những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu lập quy hoạch, Chính phủ yêu cầu đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường khu vực, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, phát triển du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, cải tạo nâng cao chất lượng môi trường của vịnh Cửa Lục để phát triển các ngành kinh tế nuôi trồng thủy hải sản kết hợp dịch vụ du lịch. Đề xuất lộ trình cụ thể chuyển đổi hoạt động sản xuất các cơ sở gây ô nhiễm xung quanh vịnh Cửa Lục (nhà máy ximăng Hạ Long, nhà máy ximăng Thăng Long, nhiệt điện Thăng Long, nhiệt điện Quảng Ninh, khu công nghiệp Cái Lân, cụm công nghiệp Hà Khánh…); nhà máy sản xuất vôi công nghiệp Hương Hải.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh có văn nhiều bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh đưa việc đầu tư giai đoạn 2 của 2 nhà máy ximăng Hạ Long và Thăng Long ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp ximăng Việt Nam giai đoạn 2011-2020”; tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy hiện nay vào năm 2030. Lý do là nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và cộng đồng dân cư xung quanh. Tuy nhiên, vấn đề này còn có nhiều sự khác biệt giữa tỉnh Quảng Ninh với các bên liên quan.
2 nhà máy này nằm ở xã Thống Nhất và Lê Lợi, bên bờ vịnh Cửa Lục, tiếp giáp với vịnh Hạ Long, từng nhiều lần xả bụi gây ô nhiễm môi trường. Không những vậy, để có nguồn nguyên liệu đá cho 2 nhà máy sản xuất ximăng và clinker, hàng loạt những dãy núi đá vôi phía bên trong sẽ mất dần, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục.
Ngoài ra, khi lập quy hoạch, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị, công trình cao tầng, bố trí các không gian công cộng cho dân cư đô thị và khách du lịch, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội theo hướng chất lượng cao; nghiên cứu các hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hạ Long.
Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Được biết, TP.Hạ Long sau khi sáp nhập với huyện Hoành Bồ có diện tích tự nhiên hơn 1,1 triệu km2, với số dân thường trú khoảng 327.400 người. Dự báo đến năm 2030, Hạ Long sẽ có khoảng 620.000 – 650.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 430.000 – 450.000 người.