Bảo vệ Gabon – thành trì cuối cùng của voi rừng

Một nghiên cứu mới phát hiện quốc gia nhỏ bé Gabon là thành trì cuối cùng của loài voi rừng châu Phi cực kỳ nguy cấp với hơn 95.000 cá thể hiện diện trên khắp đất nước, chiếm khoảng 60 – 70% số lượng loài trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) và Cơ quan quản lý vườn quốc gia Gabon (ANPN) đưa ra kết luận này sau khi đánh giá quần thể voi rừng (Loxodonta cyclotis) dựa trên ADN thu thập từ các mẫu phân voi tươi tại Gabon trong vòng 3 năm.

Lý giải về phương pháp thực hiện, Giám đốc WCS khu vực Trung Phi Emma Stokes cho biết voi rừng rất khó phát hiện trong môi trường sống của chúng, vì vậy các nhà nghiên cứu không thể khảo sát trên không như với các khu vực khác của châu Phi, nơi đồng cỏ trải dài giúp phát hiện voi dễ hơn.

Từ những năm 1980, Gabon cũng từng ước tính số lượng voi dựa trên việc đếm mẫu phân với kết quả được công bố vào năm 1995 cho rằng Gabon có tổng cộng 62.000 cá thể voi rừng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp này có nhiều sai sót và không mang lại kết quả chính xác.

Nghiên cứu mới sử dụng mô hình kiểm đếm và phân tích không gian mới hơn nhằm đo tần suất và vị trí từng cá thể. Kết quả cho thấy voi rừng xuất hiện trên hơn 90% diện tích Gabon, cả ở các khu bảo tồn như vườn quốc gia và các khu vực không được bảo vệ như khu nhượng quyền khai thác gỗ.

Voi rừng ở Gabon từng bị suy giảm đáng kể do nạn săn trộm. Nghiên cứu năm 2017 cho thấy hơn 25.000 cá thể đã bị giết để lấy ngà tại Vườn quốc gia Minkébé từ năm 2004 – 2014 khiến quần thể voi tại đây giảm từ 78 – 81%.

Sau Gabon, quần thể voi rừng lớn thứ hai được tìm thấy ở miền bắc Cộng hòa Congo.

John Poulsen, nhà sinh thái học tại Trường Môi trường Nicholas thuộc Đại học Duke, người không tham gia vào nghiên cứu mới cho rằng nghiên cứu là một bằng chứng về một phương pháp giám sát cấp quốc gia mới.

“Các nhà khoa học từ lâu đã biết các phương pháp đếm phân voi trước đây sai sót khá nhiều vì chúng dựa vào tần suất voi thải phân và tốc độ phân hủy của phân. Phương pháp kiểm đếm và phân tích không gian di truyền không những chính xác hơn mà còn cung cấp thêm thông tin khác, chẳng hạn như tỷ lệ giới tính. Thách thức duy nhất là làm sao các phương pháp này có thể được tiếp cận, cả về tài chính và khoa học, đối với các nhóm nghiên cứu trên toàn bộ phạm vi voi rừng”, ông nhấn mạnh.

Những cá thể voi rừng khó bị phát hiện trong môi trường sống của chúng, vì vậy các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp lấy mẫu ADN để thống kê số lượng quần thể. Hình ảnh: WCS

Cũng theo John Poulsen, trong khi nghiên cứu mang lại hy vọng cho các loài, kết quả nghiên cứu cũng đề cao trách nhiệm chung của chúng ta trong việc bảo vệ quần thể voi rừng khỏi nạn săn trộm và các cuộc xung đột giữa người và voi. Người dân Gabon phải trả giá khá nhiều khi bảo vệ voi, vì vậy gánh nặng này cần được cộng đồng quốc tế chia sẻ để duy trì sự tồn tại của một trong những loài động vật lớn cuối cùng còn sót lại.

Stokes thì cho rằng mặc dù kết quả khảo sát là tin tốt đối với Gabon nhưng cần hiểu rằng quần thể voi ở vùng lưu vực Congo thấp hơn nhiều so với trước đây. “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là cái bóng của đàn voi rừng và quần thể voi rừng trước đây nhưng dù sao Gabon vẫn là một thành trì quan trọng cần bảo vệ”, Stokes nói.

Thảo Linh (Theo Mongabay)

Nguồn: