Với quan điểm xuyên suốt “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, hữu hiệu làm chậm mức độ gia tăng ô nhiễm, giảm bớt các điểm nóng môi trường.
Triển khai hiệu quả các công cụ quản lý môi trường
Trong giai đoạn vừa qua, ngoài hệ thống chính sách, pháp luật là kim chỉ nam, Chính phủ, Bộ TN&MT, các địa phương đang sử dụng 4 công cụ để quản lý các hoạt động môi trường. Đó là: Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cấp các giấy phép về môi trường; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Kiểm soát ô nhiễm và xử lý các nguồn gây ô nhiễm; Quan trắc môi trường.
Trong đó, kiểm soát ô nhiễm môi trường được xem là một trong những công cụ đặc biệt quan trọng. Công tác kiểm soát ô nhiễm đất, nước và không khí đã được triển khai tích cực thông qua việc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như Nghị định, Thông tư hướng dẫn các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định 985a/QĐ-TTg… Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã có những chuyển biến tích cực. Các quy định về BVMT KCN từng bước được hoàn thiện với nhiều văn bản mới được ban hành. Nhiều địa phương và KCN đã có lộ trình kế hoạch hoặc đã và đang triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải (XLNT); hoạt động của Ban Quản lý các KCN trong quản lý môi trường đã đi vào nền nếp và rõ nét hơn…
Để kiểm soát các vấn đề có nguy cơ gây tác hại đến môi trường, Bộ TN&MT tập trung thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cấp các Giấy phép về môi trường. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, Bộ TN&MT đã trả kết quả thẩm định, phê duyệt 40 Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; 1.920 Báo cáo đánh giá tác động môi trường; 70 Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm Phương án cải tạo phục hồi môi trường; cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT cho hơn 500 dự án; cấp Giấy phép vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại cho 20 đơn vị; cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với 568 hồ sơ đăng ký…
Bên cạnh đó, thường xuyên, liên tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Ở cấp Trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với gần 3.000 cơ sở, KCN, CCN trên phạm vi cả nước, phát hiện và xử phạt đối với khoảng 1.400 tổ chức vi phạm với số tiền phạt hơn 200 tỷ đồng. Ở cấp địa phương cũng đã tiến hành hơn 2.100 cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với khoảng 9.100 cơ sở, KCN, CCN, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 4.100 đối tượng với tổng số tiền lên tới gần 100 tỷ đồng.
Bộ TN&MT cũng đẩy mạnh quan trắc môi trường không khí và nước tại các lưu vực sông, các vùng kinh tế trọng điểm…; xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia. Các trạm quan trắc tự động đã cung cấp phần nào bức tranh hiện trạng môi trường không khí và nước trên phạm vi toàn quốc, góp phần phát hiện nhiều vấn đề môi trường ở nhiều thời điểm khác nhau. Đến hết năm 2020, cả nước đã lắp đặt và vận hành 108 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; 1.177 trạm quan trắc phát thải tự động, liên tục. Đã có 55/63 địa phương truyền số liệu về Bộ TN&MT.
Hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường
Việc sử dụng đồng thời các công cụ nêu trên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, sự cố môi trường đã được kiểm soát; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý, đặc biệt là các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, vận hành ổn định; xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, KCN, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường.
Các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã đề ra trong các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm đều đạt, có sự cải thiện dần qua từng năm và so với giai đoạn trước. Đáng chú ý là các chỉ tiêu về tỷ lệ hoàn thành xử lý cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH đô thị; tỷ lệ KCN có hệ thống XLNT tập trung…
Theo đó, chỉ tiêu tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đến năm 2020 đạt 90% (hoàn thành chỉ tiêu). Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh có sự tăng trưởng đáng kể, nếu cuối giai đoạn 2011 – 2015 mới chỉ đạt 86,2%, thì đến cuối giai đoạn 2016 – 2020 đã ước đạt 90,2%.
Tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại đến năm 2019 đã đạt 84% (so với chỉ tiêu 85%), đến cuối 2020 đạt 85%. Chỉ tiêu về tỷ lệ KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống XLNT tập trung đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Trên cả nước đã có 263/290 (90,69%) KCN đang hoạt động có hệ thống XLNT tập trung (đạt chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đề ra), trong đó có 32/63 địa phương có tỷ lệ đạt 100%. Tổng công suất XLNT năm 2020 đạt trên 1,1 triệu m3/ngày,đêm (tăng 4,6% so với năm 2015). 74 KCN đã có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hồ sự cố theo quy định.
Chỉ tiêu tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đã có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2011 – 2015. Tính đến năm 2020, trên tổng số 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để với 352 cơ sở (so với 167 cơ sở đã hoàn thành xử lý năm 2015, tăng từ 38,4% lên 80,9%).