Pháp cấm biểu diễn xiếc động vật hoang dã từ 2024

Quốc hội pháp Pháp vừa bỏ phiếu thông qua dự luật về quyền động vật trên diện rộng nhằm chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã trong các buổi biểu diễn xiếc trực tiếp và quy định các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi ngược đãi động vật.

Dự luật từng được đưa ra tranh luận hồi năm ngoái và chính thức được Quốc hội Pháp biểu quyết vào ngày 18/11 với 332 phiếu thuận, 1 phiếu chống, 10 phiếu trắng, dự kiến sẽ sớm được Tổng thống Emmanuel Macron ký ban hành.

Theo dự luật, tất cả các hoạt động biểu diễn động vật hoang dã bao gồm cả việc bày bán chó, mèo làm thú cưng tại các cửa hàng động vật sẽ bị cấm từ năm 2024; trong 5 năm tới cấm biểu diễn cá heo trực tiếp; trong 7 năm tới, cấm sở hữu động vật hoang dã. Đặc biệt, luật mới chấm dứt ngay lập tức hoạt động nuôi động vật hoang dã để lấy lông, đặc biệt là chồn, đồng thời cấm sử dụng động vật hoang dã trong các chương trình truyền hình, hộp đêm hay các bữa tiệc cá nhân.

Cũng như các biện pháp nhắm vào rạp xiếc, luật mới sẽ nâng mức hình phạt tối đa đối với hành vi ngược đãi động vật lên đến 5 năm tù giam và khoản tiền phạt 85.000 USD, đồng thời thắt chặt các hạn chế đối với việc buôn bán vật nuôi.

Ảnh: Wikipedia/ Circo di Praga

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp Juilien Denormandie, cứ hai người Pháp thì có một người nuôi thú cưng nhưng mỗi năm có khoảng 100.000 vật nuôi bị bỏ rơi. Do đó, để ngăn chặn việc mua bán vật nuôi bừa bãi, chủ sở hữu mới cần phải ký vào văn bản thừa nhận trách nhiệm của họ. Nếu cố ý giết thú cưng sẽ bị pháp luật trừng phạt thay vì chỉ phạt tiền. Ngoài ra, những người đã bị kết tội đối xử tàn ác với động vật sẽ bị cấm sở hữu thú cưng một lần nữa.

Phản ứng trước đạo luật, một số bên bày tỏ quan điểm khác nhau. Khoảng 120 chủ rạp xiếc ở Pháp có khả năng sẽ phản đối những hạn chế đặt ra đối với sinh kế của họ kèm cảnh báo một số loài động vật có thể bị bỏ rơi. Một số nhà bảo vệ môi trường tuy ủng hộ nhưng cho rằng luật mới chưa đủ quyết liệt. Họ kêu gọi các biện pháp cải thiện điều kiện bên trong các trang trại chăn nuôi công nghiệp, đồng thời cấm hoàn toàn các hoạt động săn bắn… Tuy nhiên, theo Thượng nghị sĩ Daniel Salmon, sở dĩ các vấn đề này chưa được đưa vào luật mới bởi nó đòi hỏi sự thay đổi trong mô hình nông nghiệp của Pháp và vấp phải sự phản đối của những cư dân ở khu vực nông thôn kiên quyết muốn bảo vệ tập tục săn bắn, đấu bò. Đây là những vấn đề nhạy cảm và sẽ còn được tiếp tục tranh luận trong thời gian tới.

Với đại đa số dân chúng, các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn đều ủng hộ luật mới và hàng chục thành phố, thị trấn trên khắp đất nước đã cấm các rạp xiếc lưu động sử dụng động vật.

Những thay đổi nêu trên sẽ đưa Pháp song hành cùng hơn 20 quốc gia châu Âu đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế nhiều việc sử dụng động vật phục vụ nhu cầu giải trí.

Chỉ trong 5 năm qua, những lo ngại về quyền lợi động vật đã khiến 8 quốc gia thông qua luật nhằm chấm dứt tình trạng ngược đãi động vật tại các trang trại lông thú. Các cuộc thảo luận về việc cấm nuôi lông thú hiện đang được xem xét ở Latvia, Lithuania, Tây Ban Nha, Ukraine và Bulgaria.

Ý Nhi tổng hợp

Nguồn: