Hơn một tuần ghi nhận, đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân ca thán và bày tỏ lo sợ quanh những vùng đã và đang khai thác đá ở Đồng Nai.
Những ngày giữa tháng 11-2021, chúng tôi có mặt tại khu vực mỏ đá Tân Cang (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) – nơi được xem là một trong những đại công trường khai thác đá quy mô lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là bụi mù vây kín cả vùng rộng lớn.
Ám ảnh cả ngày lẫn đêm
Ám ảnh nhất là hình ảnh con đường nhỏ dẫn từ đại lộ Võ Nguyên Giáp vào khu mỏ bị băm nát, nhà dân và cây cối hai bên đường dày đặc bụi, bởi đoàn xe ben “hổ vồ” rầm rập nối đuôi nhau vào ra. Bên trong khu mỏ, hoạt động khai thác đá diễn ra gần như suốt ngày đêm, tiếng nổ mìn, máy khoan, máy nghiền ầm ào.
Bình luận về những hình ảnh trên, người dân quanh khu vực lắc đầu ngao ngán. “Các mỏ đá hoạt động từ lúc rạng sáng đến đêm và đó cũng là quãng thời gian trong ngày mà người dân chúng tôi phải chịu đựng bụi từ những đoàn xe cuốn thốc vào nhà. Nhiều lúc đang ăn thì giật mình vì tiếng nổ mìn phá đá đinh tai nhức óc, nhà cửa rung chuyển” – ông Nguyễn Thanh H. (51 tuổi, nhà cách không xa khu mỏ đá Tân Cang) nói. Đưa tay gạt lớp bụi bám trên cửa nhà, ông H. nói khói bụi đã khiến nhiều người dân nơi đây bị bệnh phổi, đau tức ngực thường xuyên.
Vừa gặp chúng tôi, bà Trần Thị K. cho biết nỗi ám ảnh về các vụ tai nạn do xe chở đá từ khu mỏ Tân Cang đi ra ngày càng lớn. “Vụ việc thương tâm nhất mà tôi chứng kiến là một học sinh đi xe đạp bị cuốn vào gầm xe ben chết tức tưởi. Nhìn cảnh cha mẹ của học sinh đó chạy đến bên con mà ám ảnh mãi không thôi” – bà K. nói và cho biết thêm gần đây cư dân xung quanh khu mỏ đá Tân Cang còn khốn khổ vì tình trạng nước ngầm bị cạn kiệt do các mỏ đá khai thác xuống sâu, rút cạn nguồn nước.
Tương tự, khi tiếp cận khu mỏ đá núi Nứa (ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), chúng tôi được nhiều người dân cho hay đã có không ít những hộ gia đình vì không chịu nổi cảnh bị các mỏ đá “hành hạ” nên đã rời đi. Theo tìm hiểu, từ năm 2010, tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty Cổ phần Đ.B khai thác mỏ đá núi Nứa, sau đó đơn vị này chuyển nhượng cho Công ty P.C khai thác từ năm 2016 đến nay. Từ khi bước vào khai thác, hằng ngày, con đường vào núi Nứa luôn có hàng trăm chiếc xe tải trọng lớn hoạt động liên tục, tạo nên khói bụi mù mịt. Hàng chục hộ dân ở gần khu mỏ đá kêu cứu bởi khói, bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, bệnh tật phát sinh hết năm này qua năm khác. Trong khi đó, địa phương nơi đây cho hay Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai từng kiểm tra, xử phạt nhiều lần đối với đơn vị khai thác đá tại đây, một số hộ dân được đền bù, hỗ trợ vì thiệt hại nhưng rồi đâu vẫn vào đó.
Theo thống kê, hiện tỉnh Đồng Nai có 40 mỏ đá đang khai thác và 13 mỏ khai thác xong đã đóng cửa, tổng diện tích gần 1.400 ha. Theo Luật Khai thác khoáng sản, để bảo đảm quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác thì địa phương sẽ được điều tiết một phần khoản thu để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cần có trách nhiệm nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản. Thế nhưng, trên thực tế, người dân địa phương phải chịu cảnh khốn khổ nếu “chẳng may” mỏ đá nằm gần nhà mình, thậm chí lúc đó kêu… bán nhà cũng chẳng ai mua.
Vì chỉ đánh giá riêng lẻ?
Theo hồ sơ, khu mỏ đá Tân Cang được tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác với tổng diện tích 400 ha, trữ lượng khai thác ước hơn 160 triệu m3 với 10 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Hiện khu mỏ đá Tân Cang đang được khai thác mang đi khối lượng rất lớn, cả khu vực hàng trăm ha giữa vùng địa thế đẹp phía Đông TP Biên Hòa để lại nhiều hố sâu và các đơn vị vẫn đang tiếp tục nạo vét. Đáng nói, ở những nơi đã khai thác xong, có nhiều miệng vực sâu nhưng chỉ được rào chắn sơ sài, dù theo quy định nơi đây phải được đơn vị khai thác phục hồi cảnh quan.
Tương tự, khi tiếp cận các khu mỏ đá đã khai thác xong thuộc các phường Hóa An, Tân Hạnh (TP Biên Hòa), chúng tôi chứng kiến những hồ nước bao la lọt thỏm giữa những bờ vực dựng đứng. “Đã có 3 người dân thiệt mạng tại những mỏ đá ở khu vực này” – ông Trần Khang (ấp Cầu Hang, phường Hóa An) cho biết. Theo ông, khi các doanh nghiệp đã khai thác xong và rút đi, ở các khu vực mỏ đá, ngoài nguy hiểm rình rập, còn trở thành nơi đổ rác trộm. “Nhiều năm liền, lực lượng chức năng địa phương phải đau đầu chặn bắt những xe tải ban đêm đến đổ rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt tại các hầm đá bỏ hoang này. Rác đổ xuống đây khiến môi trường càng thêm ô nhiễm, mạch nước ngầm bị hủy hoại. Chúng tôi mất hàng chục năm chịu tra tấn khi mỏ đá còn hoạt động, đến lúc tài nguyên được khai thác cạn rồi lại tiếp tục gánh thêm ô nhiễm do rác hóa chất đổ trộm…” – ông Khang bức xúc.
Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, những năm gần đây, đơn vị này có nhiều biện pháp kiểm soát chặt hơn quá trình khai thác đá của doanh nghiệp, tuy nhiên, vấn đề “hậu khai thác” khoáng sản vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để cải tạo những vùng đất “chết”. Tại khu mỏ đá Hóa An đã được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, một số doanh nghiệp từng có ý định đầu tư du lịch tại đây nhưng rồi lại lặng lẽ rút lui, lý do là quá tốn kém chi phí cải tạo.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tìm biện pháp khắc phục, gần đây đoàn công tác liên ngành của tỉnh Đồng Nai gồm các sở, ngành và địa phương đã liên tục tổ chức nhiều đợt khảo sát. Tuy nhiên, theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, một vấn đề hiện nay địa phương đang rất đau đầu là các mỏ đá chỉ có những đánh giá tác động môi trường riêng lẻ, do Bộ TN-MT thực hiện mà không hề có một đánh giá môi trường tổng thể nào. “Vì chỉ đánh giá riêng lẻ với từng mỏ nên không lường hết các nguy cơ khi hàng loạt mỏ cùng khai thác, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường” – Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai nhìn nhận.
Phải cứu sông Buông! Ngoài nỗi sợ bụi và ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương và người dân quanh khu vực mỏ đá Tân Cang còn lo sông Buông có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần làm việc với các đơn vị liên quan về giải pháp cứu sông Buông. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan phải sớm thực hiện đánh giá tổng thể các tác động môi trường của các mỏ đá đối với sông Buông để có giải pháp sớm nhất. |