Theo thời gian và thị hiếu thay đổi, ngành công nghiệp mật gấu của Việt Nam đang dần tàn lụi.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Conservation and Society cho thấy người tiêu dùng đang thờ ơ với việc sử dụng mật gấu trong y học cổ truyền, ngay cả khi biết rằng các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật dần đóng cửa.
Ở Việt Nam, mật gấu thường được lấy từ túi mật của những cá thể hoang dã. Tuy nhiên, hoạt động nuôi gấu ngựa và gấu chó châu Á – loài được coi là dễ bị tuyệt chủng – bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về mật. Thậm chí, gấu bị săn trộm hoặc nuôi nhốt để lấy mật tại nhiều quốc gia như Lào, Myanmar, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong đó Trung Quốc hiện vẫn là thị trường hợp pháp lớn nhất với hàng nghìn cá thể gấu nuôi, theo Tổ chức Động vật châu Á (AF). Đặc biệt, tháng 3/2020, chính phủ Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng thuốc tiêm có chứa mật gấu như một phương pháp điều trị Covid-19 khiến nhu cầu về mật càng tăng. Bởi vậy, đồng tác giả nghiên cứu Brian Crudge, nhà sinh thái học và giám đốc khu vực của Free the Bears cho rằng khả năng giảm cầu về mật gấu cần được nghiên cứu rộng tại nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Cũng theo AF, tại các trại nuôi gấu lấy mật, tình trạng gấu bị bỏ rơi, dịch bệnh và tù túng là điều phổ biến. Việc chích hút mật được thực hiện hàng ngày khiến gấu chịu nhiều đau đớn. Bản thân người dùng cũng đối mặt với nhiều rủi ro khi sử dụng mật từ những cá thể bị bệnh.
Năm 2005, Việt Nam cấm bán và khai thác mật gấu nhưng người dân vẫn được nuôi nhốt gấu miễn là chúng được gắn vi mạch và đã được đăng ký từ trước 2005. Từ hàng nghìn cá thể gấu bị nuôi nhốt từ nhiều năm trước, đến nay, Việt Nam chỉ còn hơn 300 cá thể thuộc sở hữu tư nhân tại hơn 100 trang trại, trong đó hơn 150 cá thể được nuôi tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng mật ngày càng giảm khiến giá mật giảm theo và nhiều cá thể gấu bị chết hoặc bị bỏ mặc hoặc sức khỏe kém do người nuôi không còn mặn mà chăm sóc.
Nghiên cứu mới khảo sát hơn 2.400 đối tượng tại 7 khu vực của Việt Nam, trong đó khoảng 31% cho biết họ đã sử dụng mật gấu trong đời để điều trị các vết bầm tím, đau khớp, đau bụng và các vấn đề sau sinh; rượu mật gấu thì được dùng ít hơn, chủ yếu trong việc tiếp khách; ít hơn 1% người dùng (22 người) báo cáo đã tiêu thụ mật gấu hoang dã trong năm 2020.
Brian Crudge cho biết tỷ lệ sử dụng mật gấu thấp chủ yếu là do người tiêu dùng không còn quan tâm đến sản phẩm này như trước nữa. Khi được hỏi về việc sẽ làm gì sau khi các trại nuôi gấu lấy mật đóng cửa, nhiều người nói rằng “tôi sẽ không sử dụng mật gấu nữa” hoặc “dù sao thì tôi cũng không dùng nhiều mật nữa”. Xu hướng này phù hợp với việc đóng cửa các trang trại gần đây trên khắp Việt Nam. Theo tổ chức Four Paws, 34/58 tỉnh thông báo không còn gấu nuôi nhốt.
Crudge từng lo lắng mọi người sẽ chuyển sang khai thác mật từ gấu ngựa hoặc gấu chó hoang dã nhưng điều này dường như đã không diễn ra, một phần vì gấu mất môi trường sống và nạn săn bắt bất hợp pháp làm giảm đáng kể các quần thể hoang dã trong những thập kỷ gần đây và điều quan trọng hơn là nhu cầu về mật đang giảm. Hiện chỉ những đối tượng được khảo sát tại Nghệ An cho biết đã sử dụng mật gấu trong năm qua.
Crudge cho rằng kết quả này là điều đáng ngạc nhiên bởi người tiêu dùng Việt Nam từng rất ưa chuộng mật gấu. Càng đáng mừng hơn khi một số người đã chuyển sang sử dụng thảo dược thay thế có tên là cỏ mật gấu hay cây mật gấu để trị bệnh.
Hơn 10 năm qua, AF luôn dẫn đầu chiến dịch quảng bá các phương pháp điều trị bằng thảo dược thay mật gấu. Ông Tuấn Bendixsen, Giám đốc AF, người không tham gia vào nghiên cứu mới cho biết điều đáng mừng là 15,7% số người được hỏi nói rằng họ đã sử dụng cây mật gấu để điều trị vết bầm tím và viêm nhiễm. AF biết về loại dược liệu này từ Hiệp hội Y học cổ truyền Việt Nam và Hiệp hội cũng đã cam kết ngừng kê đơn mật gấu vào năm 2020. Nhóm của ông Bendixsen còn biên soạn và phổ biến một cuốn sách liệt kê các lựa chọn thay thế mật gấu cho các bệnh như cảm lạnh, cúm và đau khớp, thậm chí sắp xếp các phòng khám sức khỏe miễn phí ở các khu vườn dược liệu.
Crudge cho rằng khả năng giảm cầu về mật gấu nên được nghiên cứu rộng rãi ở các quốc gia khác và ông khá băn khoăn: Liệu người dân Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm thay thế như Việt Nam?
Huyền Trang (Theo Nationalgeographic)