Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng trở nên khó khăn. Nguy cơ mất rừng luôn hiện hữu khi tình trạng vi phạm lâm luật ở Tây Nguyên vẫn đang diễn biến phức tạp. Các cấp ngành cần sớm cải tổ chế độ chính sách quản lý, bảo vệ rừng, mới mong giữ chân cán bộ ngành lâm nghiệp hiện tại và tuyển dụng thêm nguồn nhân lực.
Người đến thì ít, người đi thì nhiều
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, ngành Kiểm lâm có chế độ đãi ngộ tốt hơn người lao động trực tiếp bảo vệ rừng. Thế nhưng, thời gian qua, người đến với ngành thì ít mà người xin đi thì nhiều.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tổng số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 6.745 vụ, chống người thi công vụ 15 vụ, lâm sản tịch thu 9.115m3. Trước những áp lực bảo vệ rừng thì 4 công chức kiểm lâm đã xin nghỉ việc, 7 công chức chuyển công tác, 43 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi và 3 công chức xin từ chức, xuống chức.
Tính toán của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, dựa vào bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm thì nhu cầu biên chế công chức của Chi cục Kiểm lâm là khoảng 330 người.
Tuy nhiên, số lượng công chức hiện nay là 223 người, chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu biên chế kiểm lâm. Để bổ sung nhân sự còn thiếu, Chi cục Kiểm lâm đã đề nghị cấp có thẩm quyền tuyển dụng, bổ sung thêm nhân sự.
Thế nhưng, theo thông tin từ Trường Đại học Tây nguyên thì số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp rất ít (dưới 10 học viên/chuyên ngành). Đặc biệt, năm 2020 không có học viên nào tham gia học ngành lâm nghiệp.
Trước thực trạng nêu trên, các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp. Qua đó, xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Việc này nhằm duy trì, động viên, khuyến khích tinh thần, nhiệt huyết trong mỗi cán bộ làm nhiệm vụ giữ rừng, giữ lá phổi xanh cho đất nước. Đặc biệt là để thu hút thêm nguồn nhân lực mới” – ông Hưng cho biết.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Lê Quang Dần – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông – cho hay, từ năm 2016 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã giải quyết đơn xin nghỉ việc, chuyển công tác cho 48 người.
Hiện, số lượng công chức kiểm lâm còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao là 33 người. Không chỉ lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng cũng không giữ chân được người lao động. Chỉ tính riêng 2 Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn và Đức Hòa, 3 năm qua đã có đến 37 lượt nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc, chuyển sang công tác khác.
Trong khi đó, chỉ 5 năm qua, các ngành chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 5.036 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp với diện tích hơn 684ha. Thực tế nhiều công chức kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi… cho thấy, công tác bảo vệ rừng đang gặp nhiều áp lực, khó khăn, thách thức.
Tháo gỡ khó khăn trước khi quá muộn
Theo ông Lê Quang Dần, mấu chốt để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới là phải thực hiện tốt công tác quản lý đất đai và dân cư. Cùng với đó, các cấp ngành phải tập trung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Đối với các công ty lâm nghiệp sẽ giao nhiệm vụ theo hướng đặt hàng công ích bảo vệ rừng. Mặt khác, ngành đề xuất tham gia “Dự án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính” thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng để đa dạng hóa loại hình dịch vụ.
Các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty lâm nghiệp đang chủ động triển khai việc liên kết trồng dược liệu dưới tán rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, nhằm tăng nguồn thu cho chủ rừng, nâng cao thu nhập cho người giữ rừng.
Về phía tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành Nghị quyết đặc thù về một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, qua đó hỗ trợ thêm cho các đơn vị chủ rừng một phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, góp phần vào việc cải cách chế độ tiền lương cho người quản lý bảo vệ rừng.
Cũng theo ông Dần, về nhiệm vụ, lực lượng kiểm lâm là công chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về lâm nghiệp, kiểm lâm có trách nhiệm vừa trực tiếp bảo vệ rừng vừa xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố hoặc đề nghị khởi tố hình sự các vụ vi phạm.
Còn lực lượng chuyên trách của chủ rừng là nòng cốt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Như vậy, việc phát hiện vi phạm ban đầu, sớm nhất phải là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Theo quy định, kiểm lâm có nhiều chế độ tốt hơn so với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng. Nếu kiểm lâm làm việc bị thương, hy sinh thì sẽ có chế độ thương binh, liệt sĩ.
Trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hiện nay rất gian khổ, thường xuyên đối mặt hiểm nguy và xung đột nhưng các chế độ đãi ngộ rất hạn chế. Do vậy, thiết nghĩ nên có sự điều chỉnh, sửa đổi chính sách để giữ chân lực lượng bảo vệ rừng.