Những người làm nghề chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn phải đối diện với nguy cơ bị thú dữ tấn công, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Đây là nghề nguy hiểm, để hoàn thành công việc được giao, không chỉ mỗi cán bộ, công nhân viên của trung tâm phải có năng lực, chuyên môn tốt mà còn phải có tình yêu thương với động vật hoang dã.
Công việc nguy hiểm
Chia sẻ về tính chất đặc thù của nghề, anh Nguyễn Văn Trung, nhân viên chăm sóc hổ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, đã là động vật hoang dã thì loài nào cũng nguy hiểm. Chẳng hạn như hổ, chỉ cần thấy người lạ, chúng sẽ gầm gừ, nhảy xổ lên cửa chuồng tấn công. Với những động vật nhỏ hơn (khỉ, mèo rừng, rắn) độ sát thương không lớn, nhưng chúng lại rất nhanh nhẹn và tiềm ẩn những mầm bệnh lây sang người chăm sóc. Bởi vậy, chỉ những người có kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc thú dữ mới dám tiếp xúc.
Còn bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng cho hay: Công việc chăm sóc động vật hoang dã rất cầu kỳ. Thức ăn của mỗi loài động vật thường khác nhau, có loài ăn tạp, có loài kén mồi nên việc tìm và đặt mua thức ăn cho chúng cũng phải được chọn lựa kỹ. Đặc biệt, những con thú còn bản năng hoang dã, đòi hỏi công nhân phải hiểu được sở thích, tính nết từng loài để có biện pháp chăm sóc, cho ăn hợp lý…
Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh thông tin: Nguyên tắc trong chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã là tuyệt đối không được chủ quan. Trung tâm luôn yêu cầu nhân viên thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc là không tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã. Cụ thể, trước khi vệ sinh chuồng trại, công nhân phải lùa động vật sang khu chuồng khác rồi mới vào dọn vệ sinh. Tất cả công nhân khi vào làm việc tại trung tâm đều phải học kỹ thuật cứu hộ, quy trình bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Sau tập huấn, được thực hành từ đơn giản đến phức tạp, dưới sự hướng dẫn, giám sát của bác sĩ thú y hoặc cán bộ kỹ thuật của trung tâm.
Không chỉ cẩn trọng trong quá trình chăm sóc, việc khám, chữa bệnh cho động vật hoang dã cũng được trung tâm đề cao các tiêu chí an toàn. Chẳng hạn, trước khi khám, chữa bệnh cho thú dữ, công nhân phải gây mê rồi che mặt động vật, buộc chân để bảo đảm an toàn và đề phòng tình huống thuốc mê hết tác dụng hoặc động vật tỉnh dậy trong quá trình điều trị…
“Đội ngũ bác sĩ, nhân viên tại trung tâm luôn nắm rõ và thực hiện nghiêm túc quy trình cứu hộ, chăm sóc và tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Với tất cả các loài động vật, trước khi can thiệp, chúng tôi đều phải tính toán biện pháp an toàn cao nhất và chỉ khi nào thực sự an toàn mới triển khai công việc. Nhờ đó, nhiều năm nay, tại trung tâm không để xảy ra trường hợp nào bị động vật tấn công”, ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh.
Cứu trợ và chữa bệnh cho nhiều động vật
Dù tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm đến sức khỏe và thậm chí tính mạng nhưng vì tình yêu với động vật hoang dã, tập thể cán bộ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội vẫn nỗ lực, trách nhiệm để mọi cá thể động vật hoang dã khi được cứu hộ đều khỏe mạnh, sớm hòa nhập về thiên nhiên.
Theo thống kê của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm tiếp nhận 77 vụ với 644 cá thể động vật hoang dã và 52,2kg rắn. Trong số này, có nhiều cá thể động vật già yếu, mắc bệnh tiêu chảy… cán bộ trung tâm tốn nhiều thời gian chăm sóc, cứu hộ. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức điều trị 71 đợt cho 1.290 lượt cá thể động vật hoang dã (hổ, gấu, tê tê, các loài chim…) bị mắc các bệnh viêm da, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương.
Công tác tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên cũng được trung tâm thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm động vật hoang dã tái hòa nhập với thiên nhiên. Trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tổ chức 4 đợt thả động vật hoang dã với 365 cá thể và 13,4kg rắn tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). So với cùng kỳ năm 2020, công tác tái thả động vật hoang dã năm 2021 tăng hơn 300%.
Mặc dù làm tốt công tác cứu hộ, song hiện trung tâm cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết: Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí chuồng trại và phân công nhân lực theo hướng chuyên môn hóa gặp nhiều khó khăn do số lượng động vật hoang dã thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp, không đủ điều kiện phục hồi tập tính sinh học của động vật hoang dã trước khi tái thả về môi trường tự nhiên. Trong khi đó, dự án mở rộng trung tâm chưa được triển khai nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ các loài động vật hoang dã.
Để khắc phục, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội nhiều lần trình văn vản đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu UBND thành phố phê duyệt dự án mở rộng trung tâm lên 13ha nhằm bảo đảm yêu cầu công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã. Ngoài ra, trung tâm tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức cứu hộ động vật hoang dã trong nước và quốc tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực công tác cùng kiến thức chuyên môn; thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, phòng, trị dịch bệnh trong quá trình cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã và thả, chuyển giao cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2).
“Trung tâm luôn xác định việc cứu hộ động vật hoang dã là nhiệm vụ chính. Qua đó, có giải pháp đổi mới, sáng tạo phương pháp làm việc, phục vụ tốt hơn nữa việc cứu hộ động vật hoang dã”, ông Lương Xuân Hồng khẳng định.